Đà Nẵng: Công bố số điện thoại xử lý thông tin liên quan đến các vi phạm về giá và hàng hóa

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các cửa hàng kinh doanh lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu trên địa bàn TP. Đà Nẵng đồng loạt thực hiện ký cam kết về việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết; không tăng giá bất hợp lý, đầu cơ găm hàng. Cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng công bố số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin của người dân liên quan đến các vi phạm về giá và hàng hóa.
Đà Nẵng: Công bố số điện thoại xử lý thông tin liên quan đến các vi phạm về giá và hàng hóa
Các hộ kinh doanh lương thực, thực phẩm nhu yếu phẩm thiết yếu tại TP. Đà Nẵng đồng loạt kí cam kết không tăng giá bất hợp lý, không lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính

Chiều 23/7, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Đà Nẵng triển khai tuyên truyền đến các đơn vị, hộ kinh doanh lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố về việc tuân thủ các quy định về kinh doanh hàng hóa. Qua tuyên truyền, đại diện các cửa hàng kinh doanh đều chủ động ký cam kết đảm bảo việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết; không tăng giá bất hợp lý, đầu cơ găm hàng.

Cụ thể, các hộ kinh doanh cam kết niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết theo quy định của Pháp Luật; không tăng giá hàng hóa dịch vụ bất hợp lý; không đưa tin thất thiệt về thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; không gian lận về giá; không lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa dịch vụ bất hợp lý. Không đầu cơ, găm hàng; không lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để gom hàng hóa nhằm bán lại thu lợi bất chính.

Ông Nguyễn Ngọc Thùy, đại lý gạo Hồng (72 Nguyễn Lương Bằng, Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu) cho biết, việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết được cơ sở kinh doanh thực hiện thường xuyên, kể cả khi không có dịch bệnh. “Trong một vài ngày qua (trước thời điểm Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội từ 12h ngày 22/7) lượng người đến mua gạo có tăng so với ngày thường. Chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở khách hàng mua vừa đủ dùng, không cần tích trữ vì cửa hàng luôn mở cửa”, ông Thùy nói và thông tin thêm: “Việc kí cam kết là hoạt động cần thiết để ổn định hàng hóa trong mùa dịch, đảm bảo quyền của người tiêu dùng, cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị kinh doanh”.

Bản cam kết được dán công khai tại các cửa hàng kinh doanh để người dân giám sát việc tuân thủ thực hiện của các hộ kinh doanh

Theo bà Nguyễn Thị Lạc, tạp hóa Âu Lạc (06 Âu Cơ, Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu) các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm hiện rất phong phú, đầy đủ và không tăng giá từ phía các nhà phân phối, vì vậy, giá bán lẻ hàng hóa cũng không có thay đổi. “Chúng tôi cam kết không tăng giá hay găm hàng, bán đúng giá niêm yết. Việc này không chỉ là lợi ích của khách hàng mà còn là uy tín và lợi ích lâu dài của đơn vị kinh doanh”, bà Lạc chia sẻ.

Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, kiểm soát và bình ổn thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Cục QLTT Đà Nẵng thông báo số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin phản ánh về các vấn đề liên quan đến các vi phạm về đầu tư, găm hàng, nâng giá quá mức quy định, niêm yết giá và bán không đúng giá niêm yết đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, thiết bị y tế và hàng hóa trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

Khi phát hiện các trường hợp vi phạm về kinh doanh hàng hóa, người dân có thể gọi điện đến các số điện thoại đường dây nóng của Cục QLTT Đà Nẵng để được tiếp nhận thông tin và xử lý kịp thời

Người dân, đơn vị, tổ chức khi phát hiện các vi phạm có thể gọi điện đến một trong số các số điện thoại sau: Cục QLTT Đà Nẵng: 089 824 3333; hoặc Đội QLTT quận Hải Châu 0901 796 789; hoặc Đội QLTT quận Thanh Khê 0945 559 878; hoặc Đội QLTT quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn 0905 805 379; hoặc Đội QLTT quận Liên Chiểu 0946 852 233; hoặc Đội QLTT quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang 0906 511 479 để được tiếp nhận và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật