Hóa đơn tiền nước “bỗng dưng” tăng sốc

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chỉ số nước bất ngờ tăng phi mã là câu chuyện bức xúc của rất nhiều người dân tại TP.HCM. Dù khiếu kiện đủ kiểu, cuối cùng khách hàng vẫn phải chấp nhận “nghiến răng” chi trả cho khoản tiền nước tăng vọt vô lý.
Hóa đơn tiền nước “bỗng dưng” tăng sốc
Người dân sử dụng nước sinh hoạt

Nhận hóa đơn mà... choáng

Liên hệ tới Báo Báo vào tối 20.7, chị P.T.A.Linh (ngụ Q.12, TP.HCM) bức xúc phản ánh hóa đơn tiền nước tăng bất thường gấp gần 6 lần so với bình thường. Nhà chỉ có hai vợ chồng, đi làm cả ngày, trung bình tiền nước 1 tháng của nhà chị Linh chỉ dao động trên dưới 100.000 đồng/tháng, tháng nào cao nhất cũng chỉ khoảng 150.000 đồng, tức chưa tới 10 m3 nước. Nghĩ do thời gian dịch bệnh, ở nhà dùng nước nhiều hơn nhưng khi kiểm tra lại, tiền nước tháng 7 được tính từ 1.6 - 1.7, trước thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Giai đoạn này, hai vợ chồng chị Linh vẫn đi làm bình thường, chỉ về nhà buổi tối và sử dụng nước như ngày thường.

Liên hệ qua số tổng đài của Công ty cổ phần cấp nước Trung An, chị Linh được nhân viên hướng dẫn kiểm tra lại đồng hồ nước và xem có bị rò rỉ nước hoặc bể ống nước không.

“Giữa đêm nhưng bực quá vẫn phải chạy ra kiểm tra đồng hồ. Mọi thứ bình thường, không dùng nước thì đồng hồ đứng yên, không quay. Gọi lại cho tổng đài thì họ nói nhà tôi không đăng ký tạm trú nên không có định mức nước. Giá nước sạch tính theo đơn giá 15.200 đồng/m3, tổng xài 40 m3 là hơn 625.000 đồng. Không thể nào 1 tháng xài 40 m3 nước được. Đáng nói, kiểm tra lại hóa đơn, ngày 1.6, công ty báo chỉ số nước nhà chị Linh là 216 m3, đến ngày 1.7 là 256 m3 và ngày 20.7 là 263 m3. Như thế có nghĩa là 1 tháng, hai vợ chồng đi làm cả ngày tiêu thụ hết 40 m3 nước, trong khi từ ngày 1 - 20.7 giãn cách xã hội, ở nhà suốt thì xài có 7 m3 nước. Quá vô lý”, chị Linh kể.

Bên dưới bài phản ánh của chị P.T.A.Linh, rất nhiều người dân đang sinh sống trên địa bàn TP.HCM cũng chia sẻ câu chuyện hóa đơn tiền nước cùng nỗi bức xúc tương tự. Trước đó, ông N.T.Sĩ (Q.Tân Bình) cũng gửi Báo đơn kêu cứu về việc hóa đơn tiền nước tăng gần 50 lần với số tiền phải đóng hơn 18 triệu đồng/tháng.

Cá biệt, trong đợt TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội cuối 2020, chúng tôi cũng ghi nhận trường hợp của bà T.T.N.H (Q.Bình Thạnh) cho thuê làm quán ăn, dù đóng cửa ngừng kinh doanh nhưng chỉ số nước tiêu thụ vẫn tăng vọt lên 128 m3. Hóa đơn tiền nước nhiều kỳ của nhà bà H. có rất nhiều điểm bất thường. Đơn cử, sau chỉ số nước “khủng” ở các kỳ trước, hóa đơn kỳ 6 (từ ngày 11.5 - 11.6) lại ghi nhận chỉ số cũ ở mức 0, chỉ số tiêu thụ chỉ 43 m3, thành tiền 939.000 đồng. Đến kỳ 8, chỉ số cũ tiếp tục quay về mức 0, mức tiêu thụ ghi nhận 57 m3, thành tiền hơn 1,2 triệu đồng. Thế nhưng sang đến kỳ 9, chỉ số cũ đáng lẽ phải tiếp nối số 57 của kỳ 8 thì lại vọt lên 632, chỉ số mới là 2.441, tức nhà bà H. đã tiêu thụ 1.809 m3 nước chỉ trong 1 tháng, hóa đơn nợ gần 40 triệu đồng.

Những chiếc đồng hồ... không bao giờ lỗi?

Sau khi nhận được phản ánh của chị P.T.A.Linh, Công ty cổ phần cấp nước Trung An đã liên hệ, trực tiếp trao đổi với khách hàng và bố trí nhân viên đến nhà khách hàng để kiểm tra và giải quyết theo quy định vào sáng qua (23.7).

Đại diện doanh nghiệp cho biết qua kiểm tra đồng hồ nước, nhân viên của Trung An chưa phát hiện bất thường nên đã giải thích, hướng dẫn và khuyến cáo khách hàng kiểm tra lại hệ thống ống cấp nước phía sau đồng hồ nước cùng các thiết bị sử dụng nước trong nhà nhằm phát hiện hư hỏng, rò rỉ. Tuy nhiên, khách hàng chưa đồng ý với nội dung giải thích.

“Nhân viên công ty nói đồng hồ hiện sao thì ghi và tính tiền như vậy. Tôi không chấp nhận việc số nước tăng quá cao, đột biến thì họ lý giải có thể do đường ống ở nhà bị hư, gây rò rỉ nước. Nếu đường ống hư thật thì tại sao kỳ vừa rồi đồng hồ vẫn chạy số gần 10 m3 như bình thường? Không lẽ đến 1.7 đường ống nước không sửa tự lành lại?”, chị Linh chưa hết bức xúc.

Bên cạnh đó, chị Linh không đồng ý kiểm định đồng hồ vì nhân viên công ty cấp nước đã xác nhận chưa phát hiện bất thường và nếu mang đồng hồ đi kiểm định, chị Linh sẽ phải ứng trước 1,2 triệu đồng chi phí kiểm định. Trường hợp đồng hồ không có vấn đề gì, khách hàng này sẽ vẫn phải chấp nhận trả hóa đơn tiền nước tăng bất thường, cùng 1,2 triệu đồng tiền kiểm định đồng hồ.

Tuy vậy, sau thời gian trao đổi, phía bên Trung An đã thương lượng tạm ứng phí kiểm định và hẹn khách hàng sau thời gian thực hiện giãn cách sẽ thực hiện thủ tục kiểm định, căn cứ vào kết quả kiểm định để giải quyết thắc mắc của khách hàng theo yêu cầu. Trước mắt, chị Linh đồng ý kiểm định đồng hồ nước theo phương án đề xuất của phía Trung An và chấp nhận rủi ro phải đóng lại 1,2 triệu đồng tiền kiểm định.

Khác với chị P.T.A.Linh, sau khi phía Công ty cổ phần cấp nước Tân Hòa đưa ra phương án tiến hành kiểm định đồng hồ, ông N.T.Sĩ không chịu thực hiện với lý do: “Theo tôi biết, hầu hết những ai rơi vào trường hợp như tôi mà đồng ý phương án kiểm định đồng hồ nước thì kết quả luôn là đồng hồ đúng và phần thiệt luôn thuộc về khách hàng”.

Ống nước hỏng, người dân phải gánh?

Trao đổi với Báo , đại diện Tổng công ty cấp nước Sài Gòn cho biết có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc chỉ số tiêu thụ nước tại các hộ gia đình tăng cao đột biến, trong đó có tình trạng rò rỉ đường ống hoặc bể đường ống ngầm. Trong trường hợp này, người dân vẫn phải trả số tiền theo đúng mức tiêu thụ hiển thị trên đồng hồ. Theo quy định của Nghị định 117, mọi vấn đề phát sinh từ đường ống đến đồng hồ nước là thuộc trách nhiệm của công ty cấp nước, từ đồng hồ nước trở vào nhà của khách hàng thì khách hàng phải chịu trách nhiệm. Sản lượng nước tiêu thụ thể hiện trên đồng hồ, công ty không dám tự ý giảm. Nếu khách hàng có khó khăn về kinh tế thì có thể làm đơn yêu cầu công ty cấp nước xem xét giảm hoặc giãn thời gian đóng tiền nước.

Theo luật sư Phạm Hoài Nam: “Từ xưa đến nay, những câu chuyện người dân bức xúc hóa đơn tiền điện, tiền nước tăng bất thường xảy ra rất nhiều nhưng chỉ được giải quyết chóng vánh rồi đâu lại vào đấy. Gốc rễ vấn đề vẫn là các ngành này chưa có tính cạnh tranh, chưa minh bạch trong việc tính chỉ số đồng hồ nước và kê giá. Điều này không chỉ gây khó cho người dân mà cơ quan kiểm tra cũng rất khó trong vấn đề thanh tra, hậu kiểm vì không tìm ra được sai sót chỗ nào. Chính quyền cần xây dựng giải pháp kiểm soát khoa học, đồng thời tạo điều kiện cho các tư nhân tham gia vào thị trường nước sạch để tăng tính cạnh tranh, đảm bảo quyền lợi cho người dân”.

Luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn luật sư TP.HCM) đánh giá việc yêu cầu người dân phải thanh toán tiền nước tăng vọt do rò rỉ, hư hỏng đường ống là quá vô lý. Về nguyên tắc, đơn vị cấp nước có trách nhiệm thông báo trước tới khách hàng tất cả thông tin liên quan tới việc tăng giá nước, nguyên nhân, do chi phí cung cấp vận hành hay do nhu cầu sử dụng nước nhiều.

Trường hợp khách hàng sử dụng quá mức tiêu thụ định nước, phải chịu thêm giá lũy kế, khách hàng sẽ phải trả phí tăng cao nhưng cũng cần được thông báo rõ ràng. Trường hợp mức tiêu thụ nước tăng do có lỗi trong quá trình vận chuyển, cung cấp từ đầu mối qua các trạm bơm, đường ống tới khách hàng thì phải chỉ rõ hỏng ở chỗ nào, nguyên nhân do đâu. Và đơn vị vận hành hệ thống này phải chịu trách nhiệm.

Cơ quan có chức năng quản lý hệ thống máy bơm, đường ống phải thực hiện bảo trì, bảo dưỡng, kiểm tra vận hành và tính vào kinh phí với phía chính quyền TP, không thể kê vào giá nước tiêu thụ của người dân. Đường ống hỏng không phải lỗi do dân, bắt họ trả tiền nước thất thoát là quá vô lý.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật