Cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã lắng nghe tâm tư các nhà giáo ở cơ sở

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bộ Giáo dục đã lắng nghe những phản ánh từ cơ sở, đã thấu hiểu những nỗi lòng của giáo viên, đã đồng cảm, ghi nhận với những bất cập ấy để có sự điều chỉnh hợp lý
Cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã lắng nghe tâm tư các nhà giáo ở cơ sở
Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn tạm thời việc đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo Chuẩn năm học 2020-2021

Thời gian vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải hàng loạt bài viết phản ánh về những bất cập trong việc đánh giá giáo viên theo chuẩn chức danh nghề nghiệp hàng năm.

Loạt bài viết chính là nỗi lòng, tâm tư của nhiều thầy cô giáo đang giảng dạy ở các cơ sở giáo dục phản ánh về những điều bất cập được quy định trong việc đánh giá chuẩn giáo viên theo Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT.

Cụ thể, những quy định bất cập trong Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT

Thứ nhất, mỗi năm học giáo viên phải đánh giá 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí.

Mỗi tiêu chí đánh giá từ mức đạt trở lên bắt buộc phải có minh chứng. Việc giáo viên phải tìm đủ minh chứng cho từng tiêu chí quả là một sự cực hình. Ngoài những chứng chỉ, bằng cấp được phô tô còn biết bao hình ảnh chụp sổ dự giờ, sổ ké hoạch, biên bản họp, sổ chủ nhiệm, sổ theo dõi…

Thu thập đủ minh chứng và đánh giá trên giấy, giáo viên phải đánh giá trên phần mềm Temis. Sau đó trải qua khá nhiều cuộc họp như họp tổ, họp liên tịch, họp hội đồng sư phạm để xét duyệt mà kết quả năm này đôi khi cũng y chang năm học trước, điều này đã tiêu tốn không ít thời gian và công sức.

Trong khi đó, cuối năm học, mỗi giáo viên đều phải đánh giá viên chức theo hướng dẫn của Nghị định Chính phủ. Trong bản đánh giá, xếp loại viên chức cũng có khá nhiều những nội dung giống Thông tư 20.

Thứ hai, Điều 5. Tiêu chuẩn 2. Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ quy định: Nắm vững chuyên môn và thành thạo nghiệp vụ; thường xuyên cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

1. Tiêu chí 3. Phát triển chuyên môn bản thân

a) Mức đạt: Đạt chuẩn trình độ đào tạo và hoàn thành đầy đủ các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn theo quy định; có kế hoạch thường xuyên học tập, bồi dưỡng phát triển chuyên môn bản thân;

Điều 10. Quy trình đánh giá và xếp loại kết quả đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên

d) Chưa đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên: Có tiêu chí được đánh giá chưa đạt (tiêu chí được đánh giá chưa đạt khi không đáp ứng yêu cầu mức đạt của tiêu chí đó).

Vì những quy định này, không ít giáo viên chưa có bằng đại học đã bị đánh giá chưa đạt ở tiêu chí 3 đồng nghĩa với việc đánh giá chung Chuẩn chức danh nghề nghiệp của năm học là “Chưa đạt” trong khi 14 tiêu chí còn lại đã được xếp loại Khá và Tốt.

Điều đáng nói nữa là, trong những giáo viên chưa có bằng đại học, một số thầy cô lớn tuổi chỉ còn dưới 5 năm công tác và rất nhiều thầy cô giáo khác hiện đang tự bỏ tiền túi để tự học nâng cao trình độ mà không chờ đợi được bồi dưỡng theo quy trình của Bộ Giáo dục đề ra.

Có những giáo viên đã rất bức xúc, rất tâm tư vì suốt cả một năm học luôn hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao nhưng lại bị khống chế việc chưa có bằng đại học để bị xếp loại chung cả năng là “Chưa đạt”.

Dừng đánh giá giáo viên theo Chuẩn, Bộ Giáo dục đã rất cầu thị

Trước những phản ánh của nhiều thầy cô giáo và mong muốn Bộ Giáo dục sẽ có sự điều chỉnh một cách phù hợp nhất thì ngày 11/6/2020, Bộ đã ban hành văn bản số 2440/ BGDĐT- NGCBQLGD về việc hướng dẫn tạm thời việc đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cơ sở mầm non, phổ thông theo Chuẩn năm học 2020-2021.

Bộ đã yêu cầu: “Các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tạm dừng việc đánh giá và báo cáo kết quả đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo Chuẩn cho đến khi có quy định mới ban hành, nhằm đảm bảo quyền lợi cho giáo viên chưa đạt chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019”.

Lý do tạm ngưng việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên được Bộ đưa ra là: “Thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành xây dựng văn bản tạm ngưng hiệu lực của quy định của quy định về đạt chuẩn trình độ giáo viên, cán bộ quản lý trong Chuẩn nghề nghiệp, Chuẩn hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở”.

Chúng tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo mà cụ thể là Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã và đang lắng nghe những phản ánh từ cơ sở, đã thấu hiểu những nỗi lòng của giáo viên, đã đồng cảm và ghi nhận với những bất cập ấy để có sự điều chỉnh hợp lý hơn.

Tuy nhiên vẫn có những ý kiến cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT về Chuẩn nghề nghiệp giáo viên chưa phù hợp vì thế mới xảy ra những bất cập như vậy.

Và, không riêng gì việc đánh giá chuẩn giáo viên, khá nhiều thông tư của ngành ban hành chưa bao lâu đã nhận những ý kiến phản đối, kết quả là xóa bỏ hoặc phải điều chỉnh lại.

Lỗi chính thuộc về những người tư vấn, tham mưu, nhà hoạch định chính sách giáo dục chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế. Chúng tôi cũng cho rằng, một phần lỗi này cũng thuộc về các sở, phòng giáo dục và cả một bộ phận không nhỏ các thầy cô giáo vì sự thờ và thái độ mặc kệ của mình.

Góp ý dự thảo thông tư cập rập, chóng vánh nên giáo viên thờ ơ

Thường thì trước khi ban hành một thông tư nào đó, Bộ Giáo dục cũng đưa lên cổng thông tin điện tử của Bộ dự thảo và gửi về các sở giáo dục lấy ý kiến. Từ đây, sở sẽ chuyển thông tư về các phòng giáo dục và từ phòng sẽ chuyển về các trường, cuối cùng mới đến tay giáo viên.

Tuy thế, chẳng hiểu con đường đi của dự thảo thông tư thế nào mà bao giờ chúng tôi nhận được yêu cầu góp ý thông tư cũng vô cùng cập rập. Có lần, dự thảo thông tư chuyển về trường thứ hai, giáo viên nhận thông tư thứ ba và yêu cầu phải báo cáo gấp vào thứ sáu.

Trong khi đó, suốt cả ngày các thầy cô giáo đi dạy, tối về còn bao nhiêu việc nhà, việc hồ sơ sổ sách, bài vở cho học sinh, bài kiểm tra mô-đun này nọ…

Thế là, nhiều thầy cô cũng chẳng đọc, hoặc chỉ đọc lướt qua rồi cùng nhau ghi đồng ý hoặc có chăng cũng chỉ góp vài ba ý qua loa cho xong việc. Có khi trường này xin góp ý của trường kia, địa phương này xin góp ý của địa phương khác và cuối cùng chẳng góp ý nào ra hồn cả.

Cũng có một bộ phận giáo viên luôn nghĩ rằng, góp ý của mình cũng có ai đọc đâu? Hay góp ý nhiều cũng chẳng thấy sửa đổi gì nên cũng chẳng buồn góp ý luôn.

Vì những lẽ đó, nhiều thông tư của ngành giáo dục không có được sự góp ý nghiêm túc từ giáo viên nên nhiều khi vừa ban hành đã gặp ít nhiều bất cập.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật