Họa sĩ Việt đem “tranh đen” ra thế giới

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Không vẽ được là chết tươi, không mới hơn là chết héo. Nguyễn Thái Tuấn đã vẽ trong nỗi sợ chết với loạt ’tranh đen’ và đem tinh thần ấy ra với thế giới.
Họa sĩ Việt đem “tranh đen” ra thế giới
Tác phẩm trong triển lãm “Nội thất và linh hồn đen” đang diễn ra của Nguyễn Thái Tuấn.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi cho hay, đáng lý triển lãm cá nhân “Nội thất và linh hồn đen” của Nguyễn Thái Tuấn sẽ diễn ra tại phòng tranh Primo Marella ở TP Milan của Ý. Tuy nhiên, vì đại dịch Covid-19 nên triển lãm phải diễn ra trên nền tảng công nghệ thực tế ảo, kéo dài đến ngày 30/6.

Độc đáo “tranh đen”

Họa sĩ Nguyễn Thái Tuấn. Ảnh: NVCC

Triển lãm được giới nghệ thuật Việt Nam và Ý đón chờ cùng lúc diễn ra tại trang nhà của Primo Marella, YouTube cũng như hai chuyên trang mỹ thuật quốc tế là artnet.com và artsy.net, nên người xem ở khắp nơi đều có thể thưởng lãm được.

Họa sĩ Nguyễn Thái Tuấn nổi tiếng từ lâu với loạt “tranh đen”, triển lãm lần này của ông được xem là một tiếp nối đầy chủ ý và logic về tinh thần đó. Cách nhìn này là cảm hứng xuyên suốt qua hơn 2 thập niên cầm cọ chuyên nghiệp của Nguyễn Thái Tuấn.

Công chúng và giới mỹ thuật biết đến Nguyễn Thái Tuấn từ tài năng mà ông từng thể hiện trong sở trường tranh khắc. Những màu sắc đằm thắm và những chủ đề dung dị đã giúp họa sĩ chiếm được cảm tình của người xem.

Những thiếu nữ dịu dàng đường nét bất chấp những nhát dao sắc nhọn. Những góc phố Hội An đổi màu ánh lên nỗi niềm hoài cổ trong những mảng xanh, vàng, đen, đỏ đặc trưng của chốn đô hội cũ kỹ này. Chính từ những tranh khắc gỗ ấy mà giới mỹ thuật toàn quốc lần đầu tiên biết rằng, ở Đà Lạt có một họa sĩ tên là Nguyễn Thái Tuấn.

Nhờ kinh nghiệm của giai đoạn làm tranh khắc, mà tranh sơn dầu hiện thời của ông mang một nét đặc biệt khó lẫn và không từa tựa giống bất cứ một họa sĩ nào. Khi tự học và tìm cách thể hiện riêng với chất liệu acrylic và sơn dầu, Nguyễn Thái Tuấn đã tạo cho mình một phong cách hoàn toàn mới – màu của cảm xúc.

Tranh dầu của ông thường là đơn sắc, mỗi bức mang một gam màu chủ đạo, rực rỡ hay u ám, hưng phấn hay trầm uất tùy theo xúc cảm. Trên cái nền tranh dùng làm sân khấu, ông đưa những nhân vật kịch câm đậm nét ra trình diễn những hỉ nộ ái ố rất thực, rất bình thường. Cũng chính bởi những điều rất bình thường ấy mà tranh Nguyễn Thái Tuấn trở thành độc đáo.

Là một họa sĩ được coi là có phong cách sống cũng như sáng tác khá đặc biệt, Nguyễn Thái Tuấn gần như ẩn cư, ít xuất hiện, không mấy khi dự các triển lãm tranh và cũng không có nhiều triển lãm cá nhân trong nước. Tuy nhiên, tranh của ông được giới thiệu nồng nhiệt ở nước ngoài.

Trong triển lãm có tên “Di sản” (Heritage), Nguyễn Thái Tuấn mang tới gallery danh giá Primo Marella ở TP Milan (Ý) vào năm 2014 những tác phẩm tiêu biểu cho dòng “tranh đen”.

Để thế giới biết tới hội họa Việt

Gallery Primo Marella được thành lập năm 1993 tại Milan, theo thời gian nhà trưng bày này đã phát triển thêm một chi nhánh nữa cũng tại Milan và một chi nhánh tại Bắc Kinh (Trung Quốc).

Mục tiêu mà Primo Marella hướng tới là tìm kiếm các nghệ sĩ và các phong trào nghệ thuật đang nổi lên ở các khu vực bên ngoài châu Âu. Khởi đầu với Trung Quốc vào cuối thập niên 1990, các dự án sau đó của gallery nhắm tới nước Nga, Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á và mới đây là châu Phi.

Giới mỹ thuật Việt Nam, ngoài các danh họa thời kỳ Đông Dương, thì không có nhiều tên tuổi được thế giới ghi nhớ. Càng về sau, giới nghệ thuật hội họa Việt Nam gần như càng tụt lùi.

Nguyễn Thái Tuấn là một trong số ít các họa sĩ Việt được nhìn nhận ở thị trường mỹ thuật nước ngoài. Và từ đó, ông cố gắng đem tranh Việt ra với thế giới, để thế giới biết tới hội họa Việt Nam.

Nhà phê bình nổi tiếng Demetrio Paparoni từng nhận định: “Chủ đề các tác phẩm của Nguyễn Thái Tuấn là tiếng vọng từ những vùng tối trong tâm hồn. Vì vậy, mối quan tâm của họa sĩ là hướng tới những hành vi và động thái hiện hữu của những ai tạo ra sự kiện, cũng như những ai phải chịu đựng chúng”.

Sinh năm 1965 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế, Nguyễn Thái Tuấn sống và vẽ ở Đà Lạt. Với cá tính thích sự yên bình, Nguyễn Thái Tuấn ở trong số hiếm hoi các họa sĩ không bị những tác động tiêu cực của thương trường, vẽ theo chủ ý với một cách “lập ngôn” rõ nét.

Nhà nghiên cứu Lý Đợi nói rằng, Nguyễn Thái Tuấn vẽ khá chậm rãi nhưng bền bỉ, liên tục, không bao giờ hài lòng với tác phẩm tạo ra.

Về triển lãm “Nội thất và linh hồn đen” đang diễn ra, ông Lý Đợi nhận xét: Nội thất trong tranh như được nhìn xuyên qua một giấc mộng, nơi mọi thứ đang dần bị ăn mòn. Cuối cùng, còn lại một cảm giác về sự xung đột, vừa đẹp đẽ vừa phôi pha, vừa mạnh mẽ vừa đau yếu, vừa ảo tưởng vừa thất vọng.

Và còn có thêm cảm giác hơi phi thời và phi lý, đó là những linh hồn đen trong tranh không biết mình đang ở trong mơ, hoặc giấc mơ đang ở trong linh hồn đen.

Bắt nhịp cầu từ ấn tượng sang hậu ấn tượng (post-impressionism), Nguyễn Thái Tuấn đã khá thành công với điều này. Các tác phẩm cho ta cảm giác về bề mặt rất mỏng, nhưng khi nhìn kĩ, sẽ thấy nhiều lớp, nhiều sớ.

Còn khi mới nhìn, hoặc nhìn gián tiếp qua màn hình, thì hơi phảng phất bảng màu kiểu bột màu, hoặc acrylic.

“Triển lãm lần này như là một tiếp nối “tinh thần đen” của Nguyễn Thái Tuấn. Cách nhìn này là cảm hứng xuyên suốt qua hơn 20 năm cầm cọ chuyên nghiệp của họa sĩ. Với màu đen làm chủ đạo và các màu hơi thiên về âm tính, Nguyễn Thái Tuấn luôn cố gắng diễn tả sự phi lý của kiếp người, nỗi “đồng sàng dị mộng”, sự ngán ngẩm, sự mỉa mai về không gian sống”. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật