CLB Sông Lam Nghệ An: Chuyển mình trong thời đại công nghệ số

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đúng vào thời điểm cận kề khủng hoảng, SLNA được chuyển giao cho nhà tài trợ mới, đặc biệt việc “thay máu” nhân sự từ cấp quản lý đến BHL trở thành cú hích mạnh mẽ giúp đội bóng xứ Nghệ hướng đến mô hình mới...
CLB Sông Lam Nghệ An: Chuyển mình trong thời đại công nghệ số
CLB SLNA chính thức có nhà tài trợ mới.

Bước ngoặt lịch sử

Đầu tháng 6, UBND tỉnh Nghệ An chính thức chuyển giao CLB SLNA cho Tập đoàn Tân Long sau khi Ngân hàng Bắc Á xin rút. Nhà tài trợ mới của bóng đá xứ Nghệ cam kết giữa nguyên tên gọi “CLB Sông Lam Nghệ An”, không ghép thêm tên nhà tài trợ vào tên đội bóng, đồng thời giới thiệu bộ máy ban lãnh đạo và điều hành hoàn toàn mới, với rất nhiều gương mặt trẻ, thuộc thế hệ 8X, 9X.

Quyết định của Tân Long khác hoàn toàn so với Bắc Á. Trong 12 năm tài trợ cho đội bóng xứ Nghệ, Bắc Á chỉ quản lý và chịu trách nhiệm về mặt tài chính. Về chuyên môn, nhà tài trợ ngành ngân hàng gần như giao hết cho người của SLNA, hoặc ngành thể thao Nghệ An.

Ngay cả những vị trí chủ chốt như Chủ tịch, Giám đốc điều hành CLB cũng đều do những gương mặt vốn chỉ biết “làm bóng đá” như ông Hồ Văn Chiêm, Nguyễn Hồng Thanh, trong khi đây là những vị trí đòi hỏi kỹ năng quản lý, xây dựng chiến lược phát triển từ chuyên môn cho đến khuếch trương thương hiệu.

Mô hình quản lý của Bắc Á trong vai trò nhà tài trợ chính, còn có những lý do khác nhiều năm nay không còn phù hợp với xu thế bóng đá chuyên nghiệp. Điều đó đẩy SLNA, đội bóng từng là cái nôi đào tạo hàng đầu Việt Nam luôn rơi vào khó khăn.

Đội bóng xứ Nghệ mùa nào cũng đối mặt với nguy cơ “chảy máu” lực lượng. Những cầu thủ tốt nhất lần lượt dứt áo ra đi. Lãnh đạo đội bóng quanh năm chỉ lo giữ chân cầu thủ.

Những cầu thủ trẻ chưa đủ thời gian trưởng thành để lấp vào khoảng trống của các đàn anh để lại. Thế nên, về mặt chuyên môn, đội bóng xứ Nghệ cứ yếu dần theo thời gian.

Vấn đề còn ở chỗ, đa số cầu thủ đến đội bóng khác đều thuộc diện “chuyển nhượng tự do”. Có nghĩa, những cầu thủ này, hoặc đại diện của họ được quyền đàm phán với những đội bóng có nhu cầu chứ không phải SLNA.

Nếu hợp đồng được ký, những khoản “lót tay” tiền tỷ, nhiều tỷ từ đội bóng mới sẽ chảy thẳng vào túi cầu thủ và người đại diện chứ không phải SLNA. Thế nên, nhiều cầu thủ Nghệ An ra đi nhưng SLNA luôn “tay trắng”. Thực trạng đó diễn ra nhiều năm qua khiến cho bóng đá xứ Nghệ không có được nguồn thu xứng đáng từ chuyển nhượng.

Tất yếu bóng đá Nghệ An không dư dả kinh phí để bù đắp cho đội 1 và đặc biệt, thiếu tiền tái đẩu tư vào công tác đào tạo trẻ.

Cái vòng luẩn quẩn đó khiến SLNA cứ loanh quanh ở tốp những đội bóng hạng trung. Thậm chí, sau 12 vòng đấu của V-League 2021, chỉ với vỏn vẹn 10 điểm, đội bóng xứ Nghệ xếp cuối bảng xếp hạng. Truyền thống kiêu hãnh là CLB duy nhất chơi trọn các mùa trong lịch sử V-League đứng trước nguy cơ sụp đổ trong đau đớn.

Các CĐV Nghệ An công khai lên tiếng về một cuộc cải tổ để đội bóng giàu truyền thống bậc nhất Việt Nam theo kịp bước tiến ngày một nhanh của bóng đá chuyên nghiệp.

Như những “giọt nước tràn ly”, chủ tịch CLB SLNA - ông Nguyễn Hồng Thanh gửi đơn xin từ chức. HLV trưởng Ngô Quang Trường cũng nói lời chia tay đội bóng. Đội bóng lúc này có đến gần 10 cầu thủ chuẩn bị kết thúc hợp đồng… 12 năm qua, Bắc Á đã rót vài trăm tỉ đồng cho SLNA.

Thế nhưng khi rời đi, đội bóng xứ Nghệ được biết vẫn đang nợ số tiền hơn 400 tỉ đồng. Chưa bao giờ bóng đá xứ Nghệ lại rơi vào tình cảnh khó khăn đến vậy từ vị trí xếp hạng đến vấn đề tài chính.

Sau khi SLNA sa sút không phanh, nhiều tin đồn cho rằng Phan Văn Đức sẽ ra đi sau khi hết hạn hợp đồng. Tiền vệ chạy cánh này vốn là tuyển thủ nổi tiếng của Việt Nam và nhận được rất nhiều đề nghị hấp dẫn.

Một số nguồn tin tiết lộ Văn Đức thậm chí đã nhận được đề nghị lót tay 12 tỷ/3 mùa giải từ CLB TPHCM và anh gần như đã đồng ý rời sân Vinh. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Tập đoàn Tân Long đã đảo lộn mọi thứ. Bản thân Văn Đức luôn muốn gắn bó với SLNA, đội bóng quê hương mà anh khoác áo từ nhỏ.


Phạm Văn Quyến được bổ sung vào BHL SLNA.

Chính vì vậy, khi nhận được đề nghị khủng từ SLNA, tiền vệ sinh năm 1996 này không cần phải suy nghĩ đến hai lần. Theo được biết, đội bóng xứ Nghệ với nhà tài trợ mới đã duyệt chi 10,5 tỷ lót tay cho Đức, qua đó đổi lại 3 năm phục vụ của ngôi sao người Yên Thành.

Sau Văn Đức, ê kíp lãnh đạo SLNA đang xúc tiến thương thảo hợp đồng với một số cầu thủ khác sắp đáo hạn để giữ chân họ tiếp tục ở lại với đội bóng quê nhà. Ngoài ra, mục tiêu trước mắt của SLNA là trụ hạng thành công và sẽ tái thiết mạnh mẽ cho mùa giải 2022.

Như vậy, sự xuất hiện của nhà tài trợ mới cùng với dàn lãnh đạo mới, trẻ trung và chuyên nghiệp hơn nhanh chóng tạo ra sự chuyển biến tích cực cho SLNA. Bóng đá xứ Nghệ bước vào giai đoạn mới với bệ phóng chắc chắn và mạnh mẽ, những ông chủ bạo chi, quyết đoán để bắt kịp cơ chế bóng đá chuyên nghiệp đúng nghĩa.

Những vòng “kim cô” nếu có trước kia coi như đã được tháo bỏ. Một số hạn chế trong quản lý và điều hành cũ cũng được thay thế bằng cái mới.

Tìm lại bản sắc

Sự xuất hiện của nhà tài trợ mới nhanh chóng giúp SLNA giải quyết được nhiều bài toán khó.

Tuy nhiên, đó chỉ là những vấn đề trước mắt. Vấn đề được quan tâm sau khi SLNA qua “cơn bĩ cực”, nhà tài trợ mới sẽ xây dựng chiến lược và triển khai như thế nào để bóng đá xứ Nghệ có thể vươn lên top đội mạnh, đủ năng lực cạnh tranh chức vô địch và phát triển bền vững?

Công tác đào tạo trẻ có được đầu tư bài bản và khoa học, hay nhà tài trợ sẽ đi vào vết xe đổ, chạy theo thành tích với cách làm chỉ lo chỉ lo ngắt ngọn mà quên đi cái gốc đào tạo trẻ?

Thực tế, rất nhiều câu hỏi quanh việc Tân Long tiếp quản SLNA từ Bắc Á còn là ẩn số, bởi thời gian mới cho câu trả lời chính xác nhất. Tuy nhiên, có thể cảm nhận được kế hoạch mang tính cách mạng của bóng đá Nghệ An từ bản hợp đồng siêu “khủng” mà lãnh đạo đội bóng này dành cho Phan Văn Đức.


Văn Đức trở thành hợp đồng kỷ lục của bóng đá Nghệ An.

Với hơn 10 tỷ đồng lót tay, Văn Đức trở thành cầu thủ đắt giá nhất, hưởng lót tay cao nhất lịch sử SLNA và đứng thứ 4 lịch sử bóng đá Việt Nam, sau Lê Công Vinh, Lê Phước Tứ và Nguyễn Mạnh Dũng.

Sau khi ký hợp đồng, Phan Văn Đức tâm sự trên trang cá nhân: “Đức cũng nói thật với mọi người, thời gian qua có rất nhiều CLB mời Đức về thi đấu. Họ rất nhiệt tình và chế độ mơ ước của đời cầu thủ. Có lúc Đức cũng đã gật đầu với họ rồi nhưng bụng vẫn nghĩ, vẫn ước mơ được ở lại đá cho SLNA.

Đi mô cũng chẳng bằng quê mình, nơi có gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, vợ con, nơi nuôi mình từng bát cơm từ nhỏ rồi lên chuyên nghiệp. Bây giờ thì mọi thứ đã như ý, đây là trang mới của cuộc đời Đức cọt. Tin rồi Sông Lam sẽ đổi thay, trả lại một đội bóng được các CĐV yêu mến khắp mọi miền…”.

Lời tâm sự của Đức, cũng chính là những tâm tư của biết bao cầu thủ xứ Nghệ đang xa quê. Chơi bóng cho đội bóng quê hương luôn là khát khao của mọi cầu thủ.

Ở đó, họ được chiến đấu, được cống hiến, đóng góp cho mảnh đất mà mình đã chôn rau cắt rốn. Ở nơi đó có gia đình, những người thân, tuổi thơ của họ. SLNA đang đứng trước một cuộc đổi thay khi có nhà tài trợ mới, kéo theo những thay đổi mới tích cực.

Với cách làm “mạnh vì gạo bạo vì tiền”, đội bóng xứ Nghệ tự tin sẽ gia hạn thành công với những cầu thủ sẽ hết hợp đồng sau mùa giải này như 2 tuyển thủ quốc gia Văn Hoàng, Xuân Mạnh...

Thay đổi gần như toàn bộ dàn quản lý, từ chủ tịch đến giám đốc điều hành CLB, song nhà tài trợ mới của SLNA vẫn giữ nguyên vị trí HLV trưởng Nguyễn Huy Hoàng, người được đưa lên nắm quyền thay đàn anh Ngô Quang Trường vào thời điểm chưa có sự chuyển giao nhà tài trợ.

Quyết định này nhận được sự đồng tình rất lớn từ các thành viên của đội bóng xứ Nghệ. Huy Hoàng có thể không giỏi nhất và còn non kinh nghiệm, nhưng anh là sự lựa chọn thích hợp nhất hiện nay. Bởi cựu trung vệ đội tuyển Việt Nam rất có tiếng nói và uy tín với các thế hệ cầu thủ đàn em.

Huy Hoàng là sự pha trộn giữa tinh thần lạnh lùng và máu lửa với khát vọng chiến thắng vốn ăn vào máu của bóng đá xứ Nghệ.

Trải qua những thăng trầm của cầu thủ và được đào tạo bài bản để làm thầy, Huy Hoàng được kỳ vọng phát huy thế mạnh gần gũi cầu thủ, biết cách động viên tinh thần, thổi bùng ngọn lửa chiến đấu cho những chiến binh trẻ SLNA và các trụ cột như Văn Khánh, Văn Đức, Đình Đồng, Văn Hoàng...

Hơn lúc nào hết, ở thời điểm chuyển giao lịch sử, SLNA cần một HLV dám nghĩ, dám làm và hiểu được chất Sông Lam.

Không chỉ có vậy, cựu tiền đạo lừng danh một thời, “cậu bé vàng” của bóng đá Việt Nam Phạm Văn Quyến đã chính thức được bổ nhiệm trở thành trợ lý cho HLV trưởng Nguyễn Huy Hoàng tại đội 1 SLNA với mục tiêu cùng giúp đội bóng xứ Nghệ trụ hạng tai giai đoạn 2 V-League 2021.

Đây tiếp tục là quyết định khôn khéo nữa của SLNA với dàn lãnh đạo mới. Rõ ràng, Văn Quyến vẫn đang là cái tên có sức hút cực lớn, ít nhất ở góc độ khán giả và CĐV, đồng thời Quyến rất hiểu và tôn trọng đàn anh Huy Hoàng.

Hơn 3 năm qua, Văn Quyến đã trở lại trong vai trò trợ lý HLV cho các đội bóng đá trẻ. Anh hết phụ tá cho đồng đội Phan Như Thuật ở đội U15 rồi đến đàn anh Lê Kỳ Phương ở đội U17 đều góp phần giành ngôi vô địch quốc gia 2 năm liên tiếp 2019, 2020.

Văn Quyến cho biết anh cảm thấy vinh dự khi được làm trợ lý cho đàn anh Huy Hoàng ở đội 1. Quyến khẳng định anh sẽ mang hết kiến thức và khát vọng của minh để cùng đàn anh và là thuyền trưởng của đội chủ sân Vinh quyết tâm mang lại thành tích tốt cho SLNA.

Sẽ còn một chặng đường rất dài phía trước để SLNA trở lại. Nhưng với sự thay đổi mang tính lịch sử, phù hợp với xu thế của bóng đá chuyên nghiệp, đội bóng xứ Nghệ được kỳ vọng sẽ tìm lại được bản sắc vốn có.

SLNA là ‘tài sản tinh thần vô giá’ của người dân xứ Nghệ. Chúng tôi nhận thức được rõ nền tảng cơ bản, truyền thống của đội bóng SLNA cần phải giữ, cái gì tốt chúng ta sẽ phát huy, cái gì chưa tốt chúng ta sẽ dần dần khắc phục và thay đổi để các cổ động viên và người hâm mộ SLNA trên mọi miền quê hay đi đâu cũng sẽ luôn tự hào về đội bóng quê hương và nền bóng đá tỉnh nhà - Ông TRƯƠNG MẠNH LINH (Giám đốc Điều hành SLNA).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật