Cắt đứt với gia đình vợ

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ba em nói sắp tới giỗ má em, kêu thằng Ba (chồng em) về cho ba nói chuyện phải quấy. Em nghe mà lo lắng quá…
Cắt đứt với gia đình vợ
Ảnh mang tính minh hoạ SHUTTERSTOCK

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Em lập gia đình được hơn mười năm, con gái đầu nay đã tám tuổi. Chồng em là người tốt, lo làm ăn, không tiêu xài hoang phí, chỉ tập trung dành dụm lo nhà cửa, vợ con. Em biết mình có người chồng như vậy là quý lắm. Chỉ có một điều làm em buồn: chồng em và gia đình em là hai thái cực, mâu thuẫn rất sâu, không cách gì hàn gắn được.

Chuyện bắt đầu từ hồi vợ chồng em ở chung với nhà ngoại. Khi em sinh con, nhà cửa chật hẹp nên có lúc lời qua tiếng lại; em trai em có nói đàn ông như chồng em là quá tệ vì không lo nổi chỗ chui ra chui vô cho vợ con. Chồng em giận lắm nhưng lúc đó thế kẹt không biết dọn đi đâu, mãi hơn một năm sau tụi em mới ra riêng

Trong một năm đó, má em cũng có lần nhắc lại câu nói của em trai em. Từ đó, chồng em kết luận nhà vợ coi thường mình, hễ có chuyện gì liên quan đến gia đình vợ là anh bực bội, khó chịu, nói những lời rất nặng nề.

Tết, lễ anh cũng không tới lui thăm hỏi, em nói quá mới đi, mà đi về thì nhà cửa cũng nặng nề suốt cả tháng sau đó, riết rồi em không nhắc anh về nữa.

Nay má em đã mất, ba em cũng đã già, đau bệnh, lâu lâu em về thăm ba má chỉ đi một mình vì chồng em không muốn cho con em về thăm ngoại.

Bên nhà em cũng mệt mỏi, anh chị em ai cũng kể chuyện hồi anh mới cưới em, chỉ có hai bàn tay trắng, ba má cho ở chung trong nhà, nay ăn nên làm ra rồi quay mặt làm lơ, không biết nói một lời cảm ơn.

Hai bên cứ vậy kể lỗi nhau, bên nào cũng tự cho mình có ơn với bên kia; bên nào cũng thấy bị bên kia xúc phạm. Em đứng giữa cảm thấy mình có lỗi vì không hàn gắn được mọi người. Ba em nói sắp tới giỗ má em, kêu thằng Ba (chồng em) về cho ba nói chuyện phải quấy. Em nghe mà lo lắng quá… 

Trần Oanh (TPHCM)

Em Trần Oanh thân mến, 

Gia đình lớn, gia đình nhỏ xét cho cùng cũng là một gia đình. Vậy nên nhiều khi phụ nữ mình phải làm chiếc cầu kết nối. Hiện nay, giữa ba người: ba em, chồng em và em, chỉ có em là người có thể nói chuyện với cả hai bên, thì mình chủ động đi em ạ. 

Trong câu chuyện với chồng, em hãy thủ thỉ kiểu mưa dầm thấm đất, rằng em là vợ của anh, là mẹ của các con nhưng đầu tiên em là con của ba má. Ba má có sinh ra em thì em mới gặp anh, nên vợ nên chồng.

Nếu vợ chồng thương nhau, anh cũng nên chia sẻ cùng em lòng biết ơn với ba má, tình thương ba má, nhất là khi ba không còn nhiều thời gian bên con cháu. Để mãi trong lòng những chuyện cũ cũng không làm anh vui hay hạnh phúc thêm.

Mặt khác, các con mình đã lớn, mình cư xử với ba má hôm nay như thế nào, các con mình cũng nhìn vào đó mà cư xử với mình trong tương lai.

Hiếu với ông bà cũng là một cách dạy con. Tất cả những chuyện đó em có thể tâm sự với chồng, mỗi ngày một chuyện, để chồng em mềm lòng, chịu nghe em mà về thăm ba, nhường nhịn ba trong câu chuyện sắp tới. 

Với ba em, em có thể nói chuyện về tính tình của chồng em, về sĩ diện, lòng tự trọng của người đàn ông nghèo ngày xưa phải ở nhà vợ. Với sự chân thành của em, chị tin rằng ba em sẽ hiểu.

Em thử thăm dò ý ba xem ba định “nói chuyện phải quấy” gì với chồng em nay mai. Từ đó tìm cách thu xếp cho cả hai người. Thực ra, người già có sự trải đời, có lòng độ lượng, bao dung, chứ không quá mắc míu vào chuyện cũ như em lo lắng. 

Cuối cùng, em nên cố gắng để trong cuộc nói chuyện giữa ba em với chồng em không có sự hiện diện của các anh chị em bên nhà vợ. Tốt nhất là chỉ có hai người.

Chuyện gì nói ra giữa đông người, dễ có những ý kiến khác nhau, dễ xích mích. Thôi thì mình làm từng bước. Nếu hai bên chưa thật sẵn sàng thì cứ chậm lại một chút cũng không sao. Chúc em thành công.

HẠNH DUNG

Ảnh minh họa

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật