Khi HLV Lê Thuỵ Hải ngó lơ cuộc đời

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bóng đá Việt Nam sẽ ghi nhận HLV Lê Thụy Hải - người vừa qua đời hôm qua 7/5 vì ung thư - như một chứng nhân lịch sử, nhưng trong con mắt của những người làm nghề, ông vốn đã là một người đặc biệt.
Khi HLV Lê Thuỵ Hải ngó lơ cuộc đời
Sinh thời, HLV Lê Thuỵ Hải dẫn dắt hơn 10 CLB, trải qua khoảng 20 năm, giành ba chức vô địch V-League, hai á quân và hai Cup Quốc gia. Ảnh: Đức Đồng.

Năm 2003, sau trận đấu cuối cùng của giải hạng Nhất diễn ra trên sân Quân khu 7 (TP HCM), ông Hải cắp nách cái cặp nhỏ, định đi theo đội bóng Thanh Hóa ra về. Giữa chừng, ông đột nhiên quay lại, vẫy một vài phóng viên còn có mặt lúc đó đến nói chuyện. Ông giải thích: "Trận đấu với Bình Dương ở vòng trước, mấy em hỏi tôi nhiều về thất bại nhưng khi đó, tôi không thích nói. Giờ kết thúc giải rồi, anh em muốn hỏi gì tôi, cứ hỏi".

Và hôm ấy, ông Hải không ngại ngần gì khi nói về lý do Thanh Hóa thua Bình Dương mấy ngày trước, dẫn đến việc mất cơ hội thăng hạng V-League. Ông chẳng giấu diếm việc sẽ chia tay Thanh Hóa ngay lập tức, khi mà "đội của chúng nó (ám chỉ các cầu thủ) mà chúng nó còn không muốn cố gắng hết sức, thì mình ở lại cũng chẳng để làm gì".

Câu chuyện nhỏ ngày đó chứa đựng rất nhiều khía cạnh của một trong những nhà cầm quân giàu thành tích nhất của làng cầu nội địa, của một cầu thủ - HLV mà sự nghiệp của ông gắn liền với những biến cố, cột mốc quan trọng nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Có thể nói, ông Hải vừa là chứng nhân, vừa là một trong những nhân vật tạo nên những dòng chảy ấy.

Thời điểm năm 2003, Lê Thuỵ Hải chưa có danh tiếng đến mức người ta phải quan tâm ông nói gì. Quãng thời gian trước đó làm công tác huấn luyện của ông, với nhiều người, có thể còn muốn giấu kín, vì chỉ loanh quanh các đội hạng Nhất, thậm chí bóng đá nữ. Nhưng nhắc đến câu chuyện ở sân Quân khu 7 là vì tính cách của ông, vốn dĩ đã có từ trước đến nay. Sau trận thua của Thanh Hóa trên sân của Bình Dương, nhiều người cho rằng một vài trụ cột của Thanh Hóa đã "nằm", không chịu đá hết sức. Ông Hải im lặng nhận hết trách nhiệm về mình, không trả lời các phóng viên có mặt trên sân, kể cả khi có ám chỉ rằng chính ông Hải đã "nhường" trận đấu do mối quan hệ sau hai lần dẫn dắt Bình Dương trước đó.

Sự im lặng, thậm chí là "xù" mình lên giữ khoảng cách với người khác, là để ông Hải giữ đúng nguyên tắc của một vị tướng cầm quân, chịu mọi trách nhiệm. Nhưng chỉ sau đó vài ngày, khi công việc đã xong, ông lại thoải mái với những người mình không quen biết. Người ta hay gọi ông là Hải "lơ", ý muốn nói ông "tỉnh bơ" trước mọi việc hoặc trước bất cứ ai. Thật ra không hẳn là vậy.

Một người chuyên tâm "làm nghề" như ông làm sao không tự ái khi người ta sa thải bằng một cú điện thoại, ngay khi ông đang trên đường dẫn quân vào Đà Nẵng thi đấu. Nhưng ông Hải không ghi nhớ gì cả, vài năm sau, ông lại đến đúng CLB đó để làm việc. Đấy là trường hợp của Thanh Hóa năm 2011 dưới thời bầu Đệ, khi ông đang ở đỉnh cao, là "người làm thuê số một" của bóng đá Việt Nam với hai chức vô địch V-League liên tiếp cùng Bình Dương. Rồi cũng vì tự nhận là "người làm nghề" mà ông Hải sẵn sàng nghỉ ngay khi chỉ mới làm việc 35 ngày tại Bình Dương đầu mùa 2011, để rồi hai năm sau quay lại và giành thêm một chức vô địch nữa với đội bóng đất Thủ.

Ông Hải có thể "lơ" mọi việc trong cuộc sống, nhưng với bóng đá, ông thật sự là một người muốn được làm nghề theo đúng nghĩa của từ này nhất. Hay nói cách khác, với bóng đá, ông Hải không cho phép mình có quá hai lựa chọn. Hoặc là làm cho ra làm, hoặc không làm gì cả. Ngoài hai điều đó ra, ông gần như không quan tâm gì khác, kể cả khi đó là sự kiện bán độ làm "nổ tung bóng đá Việt Nam" ở SEA Games 2005, thời điểm mà ông làm phó cho cố HLV Alfred Riedl.

Gần 10 năm trước, khi cận kề tuổi thất thập, ông Hải từng nói về nỗi sợ của mình. Ông trải lòng rằng bây giờ lớn tuổi, có cháu ở nhà chờ ông về chơi, có ngôi nhà ở quê thanh bình, yên ả lắm. Nhưng ông không dám nghĩ đến, vì sợ cái cảm giác phải xa trái bóng, xa sân cỏ. Cho nên, dù đi làm nghề có bị dư luận nói này, nói nọ, con cháu có buồn lòng, ông vẫn xách túi đi làm.

Chỉ có bệnh tật, chỉ có cái chết, mới có thể dừng bước của Lê Thụy Hải. Và cuối cùng, ông cũng đã "ngó lơ" cuộc sống, bỏ lại những đau đớn của bạo bệnh. Nhưng bóng đá Việt sẽ không "lơ" được ông, một con người bóng đá, một tính cách đã giúp ông có chỗ đứng đặc biệt trong làng cầu nước nhà.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật