Chàng trai biến sỏi đá thành… cam

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ bỏ con đường làm viên chức chàng trai Đoàn Ngọc Bảo (SN 1990) trở về quê nhà xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) khởi nghiệp với cam. Hiện trang trại cam của Bảo là mô hình duy nhất của thanh niên Hà Tĩnh được chọn là 1 trong 10 sản phẩm điểm cấp tỉnh tham gia đề án OCOP (mỗi xã một sản phẩm).
Chàng trai biến sỏi đá thành… cam
Anh Đoàn Ngọc Bảo (bên phải) giới thiệu về vườn cam đầy tâm huyết của mìnhẢnh: NVCC

Bước qua gièm pha

Tốt nghiệp ĐH Tây Nguyên, Đoàn Ngọc Bảo được nhận vào làm việc tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông. Dù được làm việc ở một nơi được xem là mơ ước của nhiều người nhưng chàng trai quê Hà Tĩnh luôn nung nấu khát khao khởi nghiệp. Vì vậy, sau hơn 3 năm làm việc tại Đắk Nông, năm 2015, anh quyết định về quê nhà Vũ Quang, Hà Tĩnh khởi nghiệp với cam. Quyết định đó khiến bố mẹ sốc, còn hàng xóm, bạn bè không ít người dị nghị, gièm pha.

“Cái khó đầu tiên là tôi phải vượt qua áp lực dư luận. Quê tôi còn nhiều nghèo khó, được ăn học rồi làm việc trong cơ quan nhà nước như tôi được xem là người thành đạt. Vì vậy, khi tôi quyết định bỏ ngang công việc về quê khởi nghiệp, nhiều người nghĩ tôi có vấn đề, hoang tưởng. Nhưng lúc đó, tôi tự nhủ mình đã quyết tâm rồi, đã lựa chọn rồi thì chỉ còn một con đường là làm nỗ lực hết mình”, anh Bảo chia sẻ.

Với kiến thức về kỹ thuật nông lâm được học, anh Bảo nhận thấy lợi thế đất đồi phù hợp cho việc trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây cam. Anh bắt tay vào phát triển vườn cam gia đình. “Giống cam gia đình tôi trồng là giống cam Xã Đoài, ngọt đậm, thơm, ăn tan biến trong miệng chứ không mắc xơ. Tôi nhận thấy dòng cam này rất giá trị nên quyết định nhân giống bằng phương pháp vô tính, ghép mắt để tạo ra giống cam mới đảm bảo độ ngon đặc biệt. Giống cam này có tính ưu việt là nhanh cho quả chỉ sau 3 năm, năng suất cao. Những năm đầu mỗi gốc bình quân đạt 30-50kg cam; 6-7 năm sau đạt 100-150kg/gốc cam”, anh Bảo cho biết.

Thành công bước đầu, anh và vợ tích cực khai hoang, chuyển đổi rừng trồng nguyên liệu thành vườn cam. “Cha tôi dựng 4 cái cọc làm lán trên đồi, 2 vợ chồng tôi cơm đùm, cơm nắm lên lán ở để khai hoang. Giữa rừng sâu, sên, muỗi nhiều không kể xiết. Vất vả, cực nhọc nhưng may mắn tôi có vợ đồng cam cộng khổ nên mọi khó khăn cũng trôi qua”, anh Bảo chia sẻ.

Theo đuổi cam sinh thái hữu cơ

Đoàn Ngọc Bảo kiên trì trồng cam theo phương pháp sinh thái hữu cơ, đảm bảo tiêu chuẩn khắt khe về sản phẩm sạch. Anh không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón hóa học, chỉ sử dụng phân bón vi sinh hữu cơ, phân chuồng hoai mục ủ men vi sinh. Anh tự chế ra dung dịch được làm từ ớt cay, gừng, rượu, tỏi, quả bồ hòn ngâm trong vòng 1 tháng thay cho thuốc hóa học nhằm phun phòng ngừa sâu bệnh cho cam. Anh còn dùng bao bọc quả, sử dụng hệ thống đèn led để chống côn trùng gây hại.

“Chăm sóc cây nhỏ như chăm sóc trẻ con, phải kiên trì, chăm chút từng bước bằng cả trái tim để có được từng cây cam khỏe mạnh, cho hiệu quả năng suất cao”, anh Bảo chia sẻ.

Bên cạnh trồng cây theo phương pháp sinh thái hữu cơ, anh Bảo cũng tích cực xây dựng thương hiệu cam của mình. Thương hiệu “Cam Bảo Phương”, có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Hiện, anh Bảo sở hữu trang trại cam Bảo Phương với quy mô gần 6ha, có 2.000 gốc cam. Anh Bảo cho biết, với quy mô đó, dự kiếnsa năm 2021 đạt sản lượng khoảng 20 tấn, năm 2022 đạt khoảng 50 tấn cam.

Năm 2018, anh Bảo được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Hợp tác xã cam Hương Thọ. Với sự năng động, anh Bảo đã tìm đầu ra cho sản phẩm của Hợp tác xã giá trung bình 50 nghìn đồng/kg, giúp bà con nông dân xã nhà có thu nhập ổn định, không còn cảnh bị thương lái chèo kéo, ép giá.   

Năm 2020, trang trại cam Bảo Phương của anh Đoàn Ngọc Bảo là mô hình duy nhất của huyện Vũ Quang và cũng là mô hình duy nhất của thanh niên Hà Tĩnh được chọn là 1 trong 10 sản phẩm điểm cấp tỉnh tham gia đề án OCOP. Anh cũng là đại biểu dự Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ 3, năm 2020.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật