Những “nữ hiệp sĩ” vùng rốn lũ Quảng Bình

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trận lũ lụt lịch sử cuối tháng 10-2020 vừa qua vẫn còn hằn sâu trong tâm trí người dân của nhiều xã vùng rốn lũ huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Sau trận lũ, nhiều hộ dân lâm cảnh trắng tay khi tài sản, lương thực, thực phẩm... cả sinh kế cũng bị cuốn theo dòng nước lũ.
Những “nữ hiệp sĩ” vùng rốn lũ Quảng Bình
Ảnh minh họa

Thế nhưng, trong ký ức của họ những hành động, nghĩa cử cao đẹp của người dân, đặc biệt là những người phụ nữ xã Hải Ninh thì vẫn còn đọng lại mãi. Trong cơn lũ dữ, nước ngập lút mái nhà, trắng trời, trắng đất ấy họ đùm bọc, cưu mang sẻ chia từng bát cơm, gói mì tôm, từng bộ quần áo ấm để sống sót qua trận lũ lịch sử... 

Quyên góp, nấu cơm phục vụ bà con vùng lũ

Đêm 18-10-2020, nước lũ bất ngờ dâng cao gây ngập lụt các xã Tân Ninh, Hiền Ninh, Duy Ninh, Gia Ninh, Hàm Ninh, Võ Ninh... huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Chuông điện thoại réo vang liên hồi, những dòng tin nhắn, rồi trên facebook, zalo kêu cứu, nhờ trợ giúp của bà con khiến chị Nguyễn Thị Nhâm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hải Ninh đứng ngồi không yên. Ngay lập tức chị báo cáo, trao đổi với lãnh đạo xã, huy động 20 chiếc thuyền đánh cá của bà con ngư dân trong xã vào các xã vùng ngập lũ ứng cứu. Đồng thời chị cùng với các bà, các mẹ, các chị em Hội phụ nữ xã Hải Ninh cũng tiến hành quyên góp lương thực, thực phẩm tổ chức nấu cơm, rồi vận chuyển tới cho bà con vùng lũ. Ai cũng tích cực tham gia hưởng ứng theo lời kêu gọi của chị. Mỗi người một việc, người thì nhặt rau, vo gạo nấu cơm, người chế biến thực phẩm, người thì đi quyên góp của các hộ gia đình từ lương thực, thực phẩm, rau quả, quần áo. Người thì ủng hộ cá, người ủng hộ rau, người ủng hộ mì tôm, quần áo, thuốc men...

"Ngoài việc tham gia hỗ trợ sơ tán dân, chúng tôi quyết định nấu cơm rồi mang tới cho bà con vùng lũ. Cơm, thức ăn nấu xong được chia vào từng hộp, rồi buộc vào từng túi ni lông cẩn thận. Sau đó, đưa xuống thuyền mang tới phục vụ bà con. Việc vận chuyển cơm cho bà con các xã bị lụt chủ yếu do đội thuyền của cánh nam giới xã phụ trách. Còn đối với những hộ dân nhà bị ngập quá sâu không thể ở được, đội thuyền của xã sơ tán họ về đây, chúng tôi sắp xếp, bố trí chỗ ăn ở và cả quần áo mặc", chị Nhâm chia sẻ.

Các bà, các mẹ, các chị ở Hải Ninh chia cơm và thức ăn vào các hộp.

Đợt lũ vừa rồi, đội thuyền của xã Hải Ninh đã đưa sơ tán khoảng 50 người từ các xã bị ngập lụt về xã Hải Ninh. Chỉ tính riêng lực lượng phụ nữ xã tham gia quyên góp, tổ chức nấu cơm phục vụ bà con vùng lũ khoảng 1.000 người. Từ ngày 19 đến 24-10, phụ nữ xã Hải Ninh đã nấu 26.000 suất cơm phụ bà con các xã vùng lũ. Tổng số tiền, lương thực, thực phẩm, vật chất do người dân Hải Ninh đóng góp lẫn kêu gọi quyên góp từ con em sinh sống các nơi khác, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong cả nước được hơn 2 tỷ đồng. Nhiều chị tham gia nấu cơm phục vụ bà con, còn chồng các chị thì dùng thuyền đi sơ tán người, vận chuyển cơm cho bà con các xã bị ngập lụt.

Chúng tôi tìm gặp chị Nguyễn Thị Lướng, người tham gia tổ phụ nữ nấu cơm cho bà con vùng lũ. Chị Lướng kể: "Sáng dậy, các bà, các mẹ và chị em chúng tôi chuẩn bị thực phẩm, nấu cơm để kịp mang tới cho bà con các xã bị ngập lụt. Chúng tôi nấu cả ngày để phục vụ bà con. Đôi lúc cũng thấy mệt nhưng nghĩ tới bà con mình đang cần những suất cơm ấy, chúng tôi vui lắm, mọi mệt nhọc dường như lại tan biến". Không chỉ trực tiếp nấu cơm, chị Lướng còn vận động quyên góp được hơn 80 triệu đồng và quần áo giúp bà con vùng lũ lụt.

Nấu ăn phục vụ bà con vùng lũ.

Một câu chuyện thú vị nhưng lại thấm đẫm tình người mà chúng tôi được biết. Hải Ninh là xã ven biển của huyện Quảng Ninh, người dân nơi đây phần đông sống bằng nghề khai thác, đánh bắt thủy hải sản. Trung bình mỗi thuyền như vậy trị giá từ 60-100 triệu đồng. "Theo phong tục của người đi biển ở Hải Ninh thường kiêng không cho phụ nữ lên thuyền vì cho rằng sẽ đem lại điều không rủi ro, không may mắn. Ấy vậy, mà trong đợt lũ lụt vừa qua, 20 chiếc thuyền của người Hải Ninh được huy động tham gia giúp đỡ bà con, chở cả phụ nữ trên thuyền sơ tán về Hải Ninh. Để cứu người nên chúng tôi phá lệ đấy!", chị Lướng giải thích.

Chị Nguyễn Thị Lướng tham gia nấu ăn và vận động quyên góp ủng hộ người dân vùng lũ lụt.

Tình người trong lũ dữ

Đến xã Duy Ninh, một trong những xã chịu thiệt hại nặng nề trong đợt lũ vừa qua, Chủ tịch UBND xã Duy Ninh Phạm Minh Cảnh chia sẻ: Sau trận lũ lịch sử này, nhiều gia đình ở đây phải bắt đầu làm lại từ hai bàn tay trắng. Lương thực thì đã được Nhà nước hỗ trợ khẩn cấp 15 tấn, đợt tới chúng tôi nhận tiếp 43 tấn nữa. Cái ăn của người dân Duy Ninh hiện thời không còn bí bách vì được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các tổ chức đoàn thể, các nhà hảo tâm... hỗ trợ rất kịp thời, nhưng về sinh kế lâu dài của bà con chúng tôi lo lắm.

Chị Nguyễn Thị Nhâm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hải Ninh chia sẻ về những ngày tham gia vận động quyên góp, nấu cơm cho bà con vùng lũ.

"Đợt lũ vừa rồi, người dân Duy Ninh chúng tôi nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình nhân dân xã Hải Ninh, Hội Phụ nữ xã Hải Ninh còn tổ chức nấu cơm phục vụ người dân Duy Ninh. Họ còn tham gia công tác sơ tán những gia đình bị ngập sâu. Cách đây mấy hôm tôi đã thay mặt Đảng ủy, UBND xã Duy Ninh viết thư cảm ơn Đảng ủy, UBND, các đoàn thể, hội phụ nữ xã và nhân dân xã Hải Ninh vì sự giúp đỡ kịp thời, đầy tình nghĩa ấy", ông Phạm Minh Cảnh cho biết thêm.

Chị Lê Thị Thu Lành, Giám đốc Hợp tác xã dịch tổng hợp Phú Ninh chia sẻ: "Trận lũ vừa qua hợp tác xã cũng chịu tổn thất nặng nề. Tổng thiệt hại do trận lũ vừa qua khoảng 2,5 tỷ đồng. Đó là toàn bộ vốn liếng, tài sản của hợp tác xã. Tuy nhiên, chúng tôi thấy chưa có khi mô mà tình người lại thấm đẫm như trận lũ ni. Chúng tôi nhận được những tình cảm, sự giúp đỡ nhiệt tình, thiết thực từ nhân dân xã Hải Ninh, phụ nữ Hải Ninh, cả sự giúp đỡ, hỗ trợ của đồng bào cả nước và kiều bào". 

Năm 2020, thiên tai liên tiếp xảy ra đã gây nhiều đau thương, mất mát đối với đồng bào miền Trung. Trẻ em, người già, người khuyết tật, phụ nữ vốn là những đối tượng dễ bị tổn thương do thiên tai, thế nhưng ở mảnh đất Quảng Bình vốn thường xuyên hứng chịu thiên tai vẫn có những "nữ hiệp sĩ", cái tên mà người dân Quảng Bình vẫn thân thương gọi, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Thật đáng tự hào, trân trọng lắm thay!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật