Australia nới lỏng các hạn chế tại thành phố Melbourne

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thủ hiến bang Victoria của Australia, Daniel Andrews ngày 26/10 tuyên bố sẽ bắt đầu nới lỏng các hạn chế nhằm kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2 tại thành phố Melbourne từ ngày 28/10 tới.
Australia nới lỏng các hạn chế tại thành phố Melbourne
Một tuyến phố ở thành phố Melbourne, Australia vắng bóng người do dịch COVID-19 ngày 5/8/2020. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Tuyên bố này được ông Andrews đưa ra sau khi giới chức bang trên thông báo không ghi nhận thêm ca mắc mới hay ca t‌ử von‌g nào do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong 24 giờ qua, một bước ngoặt có ý nghĩa lớn so với tình hình dịch bệnh cách đây 4 tháng tại Australia.

Theo đó, kể từ ngày 28/10, người dân Melbourne có thể tự do ra ngoài nhà trong pham vi bán kính 25 km, có thể tụ tập trong các nhóm không quá 10 người mà không bị hạn chế về số lượng hộ gia đình. Ngoài ra, các cửa hàng bán lẻ, quán cà phê, nhà hàng, quán rượu và khách sạn sẽ được mở cửa trở lại với giới hạn không quá 20 khách hàng trong nhà và 50 khách ngồi ngoài trời. Cùng với đó, các cơ sở dịch vụ chăm sóc cá nhân và làm đẹp cũng có thể sẽ mở cửa trở lại với điều kiện tất cả nhân viên và khách hàng phải đeo khẩu trang.

Sau hai tuần nữa, từ ngày 9/11, các hạn chế trên sẽ tiếp tục được dỡ bỏ, trong đó có quy định hạn chế đi lại trong bán kính 25 km và giữa thành phố Melbourne và khu vực nông thôn ở bang, tuy nhiên quy định bắt buộc đeo khẩu trang vẫn sẽ được duy trì.

Tuần trước, một số biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2 đã được nới lỏng, song Thủ hiến bang Victoria đã hoãn kế hoạch mở cửa trở lại thành phố Melbourne vào ngày 25/10 để chờ đánh giá kết quả xét nghiệm của hàng nghìn người dân tại bang này.

Australia hiện có tổng cộng hơn 27.500 ca mắc COVID-19, ít hơn nhiều so với đa số các nước phát triển khác. Bang Victoria chiếm tới 90% trong tổng số 905 ca t‌ử von‌g trên cả nước sau khi trải qua làn sóng lây nhiễm thứ hai kể từ đầu tháng 6 năm nay.

Trong khi đó, tại Nhật Bản, theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, các công ty vận tải của nước này đang rục rịch nối lại hoạt động du lịch bằng du thuyền sau một thời gian dài tạm ngừng do sự lây lan của dịch COVID-19. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, hoạt động du lịch bằng du thuyền chỉ diễn ra trong phạm vi lãnh thổ Nhật Bản.

Cụ thể, ngày 26/10, du thuyền Nippon Maru thuộc sở hữu của Mitsui O.S.K. Passenger Lines Ltd. đã cập cảng Sasebo ở tỉnh Nagasaki, phía Tây Nam Nhật Bản sau khi rời cảng Niihama ở tỉnh Ehime một ngày trước đó. Đây là lần đầu tiên một du thuyền chở theo hành khách hoạt động trở lại ở nước này kể từ tháng 2/2020. Cùng với Mitsui O.S.K. Passenger Lines, công ty NYK Cruises Co. dự định sẽ cho phép du thuyền Asuka II hoạt động trở lại vào tháng 11 tới. Tuần trước, du thuyền hạng sang này đã chạy thử từ cảng Yokohama tới cảng Kobe lần đầu tiên sau 8 tháng.  

Để đảm bảo an toàn cho các hành khách, các công ty điều hành du thuyền của Nhật Bản đang nỗ lực áp dụng các biện pháp phòng ngừa sự lây lan của dịch COVID-19. Trong khi đó, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) đang lên kế hoạch hỗ trợ tài chính cho các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh ở các cảng biển.

Theo thống kê của MLIT, số lượng du thuyền cập cảng Nhật Bản đã tăng từ khoảng 1.000 lượt hồi năm 2013 lên khoảng 3.000 lượt vào năm 2017 và con số lượt cập cảng này tiếp tục được duy trì trong các năm 2018 và 2019. Các du thuyền trên đã mang lại một số lượng khách du lịch và nguồn thu lớn cho các địa phương ở nước này. Chỉ tính riêng năm 2019, số lượng du khách nước ngoài tới Nhật Bản trên các du thuyền đã lên tới gần 2,15 triệu khách. Tuy nhiên, các hoạt động du lịch bằng du thuyền ở nước này đã bị đình trệ sau sự bùng phát của dịch COVID-19 trên du thuyền Diamond Princess. Kể từ tháng 2 đến cuối tháng 9/2020, không có bất cứ du thuyền lớn nào cập cảng nước này, gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch và các ngành dịch vụ liên quan khác.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật