Làm giàu từ nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Hòa Bình

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nuôi cá lồng kết hợp với du lịch trải nghiệm đã mang lại thu nhập cao, cùng cuộc sống ổn định cho nhiều hộ dân sống xung quanh hồ thủy điện Hòa Bình.
Làm giàu từ nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Hòa Bình
Phong trào nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Hòa Bình rất phát triển, đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân.

Sản xuất kết hợp du lịch, dịch vụ

Dẫn chúng tôi xuống cảng Thung Nai lên thuyền ngược sông Đà tham quan hồ thủy điện Hòa Bình, ông Đinh Công Cửu, một chủ thuyền du lịch chuyên chạy tuyến Thung Nai - Thác Bờ (huyện Cao Phong) - Ba Khan (huyện Mai Châu) cho biết, 5 năm trở lại đây, nghề nuôi cá lồng kết hợp với du lịch trải nghiệm mang đến không khí nhộn nhịp và thu nhập khá cho nhiều hộ dân sống ven hồ Hòa Bình thuộc các xã Thung Nai (Cao Phong), Ngòi Hoa (Tân Lạc), Hiền Lương, Báo , Vầy Nưa (Đà Bắc), Phúc Sạn, Ba Khan (Mai Châu)…

Theo ông Cửu, với 1 - 2 ngày nghỉ cuối tuần, du khách có nhiều hướng để tiếp cận với du lịch trải nghiệm vùng hồ Hòa Bình, trong đó phổ biến là xuất phát từ cảng Thung Nai (mới được mở rộng, nâng cấp đường vào), ngược Thác Bờ, tham quan đền Thác Bờ, tắm suối và thưởng thức các loại đặc sản của người Mường (cá nướng, gà nước, xôi nương…) ở Tân Lạc, rồi xuôi về TP. Hòa Bình hoặc nghỉ lại qua đêm tại các điểm du lịch ở Ba Khan (huyện Mai Châu) hoặc Vầy Nưa (huyện Đà Bắc). Một số chủ bè cá ở Đà Bắc, Mai Châu đã xây dựng các nhà nghỉ trên bè cho khách nghỉ chân, tham quan lưu trú theo yêu cầu.

Dẫn chúng tôi đi tham quan xã, ông Xa Văn Đạm, Chủ tịch UBND xã Hiền Lương cho biết, trên địa bàn xã hiện có gần 100 hộ gia đình đầu tư gần 300 lồng cá các loại, cho thu hoạch trung bình 100 tấn cá, 40 tấn tôm/năm. Nhờ nghề nuôi cá lồng, thu nhập bình quân toàn xã năm 2019 đạt gần 30 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 30%.

Phát triển An toàn, bền vững

Theo ông Nguyễn Anh Quân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, với lưu vực rộng lớn, môi trường nước trong sạch, nguồn lợi phong phú và giàu dinh dưỡng, mặt hồ Hòa Bình thuận lợi để phát triển nuôi cá lồng với các loài quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Những năm gần đây, các hộ dân còn kết hợp phát triển nghề nuôi cá lồng với du lịch trải nghiệm, ẩm thực và nghỉ dưỡng trên hồ Hòa Bình, mang đến thu nhập ổn định, đời sống bà con thay đổi theo hướng tích cực. Một số hộ gia đình đã sắm được cả những du thuyền lớn phục vụ khách lưu trú, nghỉ dưỡng.

Ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình cũng đã thực hiện thành công mô hình chuỗi an toàn thực phẩm cá sông Đà. Các dự án liên kết sản xuất cá sông Đà theo chuỗi giá trị tại 5 huyện, thành phố với quy mô 300 lồng nuôi, 70 hộ tham gia bằng nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ năm 2018. Hoạt động đầu tư nghiên cứu khoa học, đào tạo, tập huấn và chuyển giao ứng dụng kỹ thuật được chú trọng thực hiện.

Các mô hình đang được nhân rộng. Thống kê toàn tỉnh Hòa Bình hiện có hơn 40 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại hộ gia đình đầu tư nuôi thâm canh với quy mô lớn, trong đó có gần 10 doanh nghiệp đầu tư hơn 200 lồng nuôi theo công nghệ tiên tiến với các loại cá chiên, cá lăng, cá tầm, cá bống, trắm đen... cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

“Đa số lồng nuôi hiện nay đều làm theo công nghệ mới. Theo đó, lồng lưới khung sắt với thể tích đạt từ 70 - 100 m3/lồng, thay thế dần lồng bằng bương, tre. Các hộ tham gia nuôi trồng cơ bản đáp ứng yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật, quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Có 7 doanh nghiệp đã ký kết liên doanh với các hộ dân nuôi cá lồng hợp quy chuẩn, theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, các doanh nghiệp ký kết tiêu thụ sản phẩm với các hộ dân, vì vậy, sản lượng cá nuôi trên địa bàn luôn đảm bảo ổn định đầu ra”, ông Nguyễn Anh Quân cho biết.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật