COVID-19 và nguy cơ ‘chiến tranh Lạnh’ Trung-Mỹ làm nóng nghị trường LHQ

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đại diện Liên Hợp Quốc (LHQ) và lãnh đạo các quốc gia thành viên tái khẳng định sự ủng hộ với chủ nghĩa đa phương, coi đây là yếu tố then chốt hướng đến xây dựng một thế giới ngày càng an toàn, công bằng, phát triển bền vững và thịnh vượng.
COVID-19 và nguy cơ ‘chiến tranh Lạnh’ Trung-Mỹ làm nóng nghị trường LHQ
Các nhà ngoại giao ngồi giãn cách tại phiên họp của Đại Hội đồng LHQ. Ảnh: ITN

Đề cao chủ nghĩa đa phương trước đại dịch COVID-19

Mang tên gọi “Tương lai mà chúng ta muốn, LHQ mà chúng ta cần: tái khẳng định cam kết tập thể về chủ nghĩa đa phương - đối phó COVID-19 thông qua hành động đa phương hiệu quả”, phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 75 Đại Hội đồng LHQ chính thức diễn ra từ 22 đến 26/9 (giờ địa phương) theo hình thức trực tuyến.

Thay cho các bài phát biểu trực tiếp cùng nhiều cuộc gặp bên lề, các nhà lãnh đạo thế giới gửi thông điệp trong năm kỷ niệm 75 năm ngày thành lập LHQ qua các đoạn video ghi sẵn – điều chưa có tiền lệ trong lịch sử LHQ; còn đại diện ngoại giao các nước xuất hiện tại phòng họp chung ở New York với khẩu trang và ngồi giãn cách để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Tại phiên họp, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres một lần nữa gọi COVID-19 là “mối đe dọa an ninh toàn cầu số một”, cho rằng, COVID-19 đã nhắm vào những người dễ bị tổn thương nhất và gây tổn hại nghiêm trọng đến những tiến bộ mà thế giới mất nhiều thập kỷ để đạt được, trong đó có sự gia tăng của tình trạng đói nghèo lần đầu tiên trong suốt 30 năm qua. 

Theo người đứng đầu cơ quan LHQ, thế giới cần đoàn kết vượt qua dịch bệnh. Ông chỉ trích các phong trào cánh hữu trong bối cảnh hiện nay và nhận định rằng, chủ nghĩa dân túy luôn thất bại. “Trong một thế giới liên kết, đã đến lúc chúng ta nhận ra một chân lý đơn giản: đoàn kết mang lại lợi ích cho mỗi người. Nếu chúng ta không nắm bắt được thực tế đó, mọi người đều thua cuộc”, ông Guterres cảnh báo. 

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu. Ảnh: ITN

Tổng Thư ký Guterres cũng nêu rõ, sau 75 năm hoạt động, các thể chế đa phương tại LHQ cần được nâng cấp để mang lại công bằng cho tất cả người dân trên thế giới, đồng thời vạch ra nhiều sáng kiến để thúc đẩy chủ nghĩa đa phương bao trùm trong tương lai.

Chủ tịch Khóa 75 Đại Hội đồng LHQ, ông Volkan Bozkir, cũng có phát biểu kêu gọi các lãnh đạo thế giới ủng hộ chủ nghĩa đa phương, củng cố lại các cơ quan của LHQ. Ông Bozkir khẳng định vai trò không thể thiếu của LHQ những năm qua và trong tương lai, nhất là giai đoạn phục hồi thế giới sau đại dịch, hướng tới một thế giới phát triển bền vững, bao trùm. 

Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ khóa 75 cũng đề ra một loạt vấn đề ưu tiên sắp tới cho LHQ, gồm: Củng cố chủ nghĩa đa phương; thúc đẩy các chương trình nhân đạo; và tăng cường nỗ lực để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong chương trình nghị sự 2030 của LHQ…

Trong bài phát biểu đáng chú ý, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh Hiến chương LHQ luôn là nền tảng chính của hệ thống luật pháp quốc tế và bản thân LHQ đang làm tốt sứ mệnh chính của mình là bảo vệ thế giới.

Nhà lãnh đạo Nga kêu gọi thiết lập một “hành lang xanh” nhằm cung cấp các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm, thuốc men và thiết bị bảo hộ y tế tới mọi nơi trên thế giới mà không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại và các lệnh trừng phạt. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS

Ông Putin cũng đề cao vai trò của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cho biết Nga sẵn sàng cung cấp vaccine COVID-19 miễn phí cho mọi nhân viên, phái bộ của LHQ.

Gửi thông điệp đến LHQ, lãnh đạo nhiều nước đánh giá cao những thành tựu to lớn mà LHQ đạt được từ khi thành lập năm 1945; khẳng định cam kết và sự tin tưởng đối với chủ nghĩa đa phương với LHQ là trung tâm; đề cao và nhấn mạnh sự cần thiết của việc tôn trọng Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, độc lập, chủ quyền và quyền tự quyết của các quốc gia, ngăn chặn xung đột, giải quyết hòa bình các tranh chấp. Các nước cũng thẳng thắn nhìn nhận bối cảnh hiện nay và những hạn chế của LHQ, từ đó kêu gọi các biện pháp cải tổ mạnh mẽ để LHQ ứng phó tốt hơn với nhiều thách thức trong thời đại mới.

LHQ cảnh báo nguy cơ “chiến tranh Lạnh”

Vẫn theo Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, một trong những vấn đề mà cộng đồng quốc tế cần quan tâm lúc này là làm sao thúc đẩy một lệnh ngừng bắn toàn cầu nhằm huy động các nguồn lực chống lại dịch bệnh. Ông Guterres cũng kêu gọi thế giới ngăn chặn một cuộc “chiến tranh Lạnh mới” giữa Mỹ và Trung Quốc. “Chúng ta cần làm mọi thứ để tránh một cuộc chiến tranh Lạnh mới. 

Thế giới đang đi theo một chiều hướng rất nguy hiểm. Thế giới này không thể chịu nổi một tương lai mà ở đó hai nền kinh tế lớn nhất chia cắt địa cầu bằng một vết đứt gãy lớn, khi mỗi bên đều có các quy định thương mại, tài chính, cùng năng lực Internet và trí tuệ nhân tạo (AI) của riêng mình”, ông Guterres nói.

Đoạn video ghi lại thông điệp của ông Trump được phát đi tại LHQ. Ảnh: Guardian

Trên thực tế, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã một lần nữa bộc lộ rõ qua thông điệp mà lãnh đạo hai nước phát đi tại phiên họp của Đại Hội đồng LHQ. 

Nhắc tới đại dịch COVID-19, vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người tại Mỹ và gần một triệu người trên toàn cầu, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, Trung Quốc đã để virus lây lan ra thế giới và hối thúc LHQ buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm. 

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc, qua bài phát biểu của mình, kêu gọi thế giới không chính trị hóa cuộc chiến chống COVID-19. Về WHO, lãnh đạo hai nước có những cách nhận xét trái ngược khi phía Mỹ cho rằng, WHO đã thiên vị Trung Quốc, còn Bắc Kinh lại kêu gọi ủng hộ vai trò hàng đầu của WHO trong cuộc chiến với đại dịch toàn cầu.

Vấn đề tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục nóng tại LHQ. Ảnh: ITN

Theo Guardian, căng thẳng với Washington cũng đã trở thành chủ đề chính trong bài phát biểu của Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Nhà lãnh đạo Iran mạnh mẽ lên án các lệnh trừng phạt của Mỹ, tuyên bố Tehran sẽ kiên cường trước áp lực của Washington.

Xung quanh vấn đề Iran, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã dành một phần lớn thông điệp để phê phán việc Mỹ năm 2018 rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 rồi tái áp đặt trừng phạt chống Tehran. 

“Chiến lược áp lực tối đa của Mỹ, vốn được áp dụng vài năm qua, đến nay vẫn chưa thể đảm bảo việc nước này không thể có vũ khí hạt nhân”, ông Macron nói. “Đó là lí do vì sao Pháp, cùng với các đối tác Đức và Anh sẽ duy trì yêu cầu thực hiện đầy đủ thỏa thuận 2015… Chúng tôi sẽ không thỏa hiệp về việc kích hoạt các lệnh trừng phạt (của LHQ chống Iran) mà Mỹ mong muốn vì điều này sẽ làm suy yếu sự thống nhất của Hội đồng Bảo an LHQ”.  

Nguồn Tin:
Tin liên quan: id: 10863
  1. Diễn biến đại dịch Covid-19 trên thế giới “khó lường”
  2. Thúc đẩy quyền năng kinh tế phụ nữ trong bối cảnh đại dịch COVID-19
  3. Cuộc đua vaccine COVID-19 có tốc độ chưa từng thấy
  4. Số ca mắc COVID-19 tăng cao tại Hàn Quốc
  5. Ca sĩ Đồng Lan mắc Covid-19 ở Pháp
  6. Ghi nhận ca dương tính với Covid-19 là chuyên gia Ấn Độ
  7. 10 bang tại Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất
  8. Tổng thống Trump bắt Trung Quốc “trả giá” vì COVID-19
  9. Mỹ: Nhà Trắng đề xuất gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.800 tỷ USD
  10. Nepal gặp nạn vì hạn Covid-19
  11. Nhiều nước châu Âu ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới cao nhất
  12. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence bị nghi xuất hiện triệu chứng mắc Covid-19
  13. Số ca Covid-19 tăng trở lại, Hong Kong xem xét khả năng xét nghiệm bắt buộc
  14. Số ca mắc COVID-19 tại Ba Lan có thể tăng gấp đôi sau 3 ngày
  15. Romania: Số ca mắc Covid-19 đạt kỷ lục, số người tử vong tăng đột biến
  16. Ba vấn đề trước khi vaccine COVID-19 lộ diện
  17. Covid-19: Tổng thống Trump “giáng đòn” đảng Dân chủ, nhiều lãnh đạo quân sự cách ly
  18. Israel bắt giữ nhiều đối tượng biểu tình vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19
  19. Hai máy bay “ ngày tận thế ” của Mỹ xuất hiện sau khi Tổng thống Trump mắc COVID-19
  20. Thế giới đã ghi nhận hơn 1 triệu ca tử vong vì COVID-19
  21. Nhà hàng của ‘thánh rắc muối’ bị đóng cửa vì không tuân thủ quy định chống Covid-19
  22. Dịch COVID-19: Số ca tử vong trên toàn thế giới vượt 1 triệu người
Video và Bài nổi bật