Vụ nổ tàu ngầm Nga thảm khốc khiến 118 người thiệt mạng: Nỗi lo sợ sau 20 năm

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 12.8.2000, tàu ngầm hạt nhân Kursk chìm xuống đáy biển Barents, khiến toàn bộ 118 người thiệt mạng. 20 năm sau, các thủy thủ tàu ngầm vẫn luôn phải đối mặt với rủi ro chết người.
Vụ nổ tàu ngầm Nga thảm khốc khiến 118 người thiệt mạng: Nỗi lo sợ sau 20 năm
Tàu ngầm hạt nhân Kursk khi còn nguyên vẹn.

Theo Sputnik, vụ nổ tàu ngầm hạt nhân Kursk từng gây chấn động trên toàn nước Nga. Con tàu chỉ mới được hạ thủy vào năm 1994, tham gia tập trận cùng Hạm đội Biển bắc ở biển Barents thì sự cố xảy ra.

Một vụ nổ lớn xảy bên trong thân tàu và chỉ hai phút sau, vụ nổ lớn hơn đã nhấn chìm tàu ngầm Kursk cùng truyền trưởng Gennady Lyachin, 45 tuổi và thủy thủ đoàn xuống đáy biển. Các thống kê sau này ghi nhận vụ nổ thứ hai tạo ra sức công phá lên tới 3 tấn thuốc nổ TNT.

Đa số thủy thủ chết ngay trong vụ nổ, nhưng có 23 người sống sót, co cụm ở 4 khoang kín. Những người này t‌ử von‌g sau đó khoảng 8 giờ, khi lượng oxy bên trong đã cạn kiệt.

Sỹ quan Dmitri Kolesnikov, một trong số 23 người còn sống sau vụ nổ, đã ghi chép lại những lời cuối cùng trong bóng tối. “Tất cả những người ở khoang 6, 7 và 8 đã tới khoang số 9. Có 23 người chúng tôi ở đây. Chúng tôi đã đưa ra quyết định vì không một ai trong số chúng tôi có thể thoát ra ngoài”.

Ở mặt sau mảnh giấy, Kolesnikov mô tả những gì xảy ra trên tàu ngầm Kursk và sỹ quan tàu ngầm Nga cũng gửi lời đến tiễn biệt đến người vợ tên Olga.

Theo kết quả điều tra, vụ nổ đầu tiên do rò rỉ hydrogen peroxide trong bệ phóng tên lửa. Hai phút sau, vụ nổ thứ hai bắt nguồn từ 5 đầu đạn, khiến con tàu hư hỏng nặng.

Xác tàu ngầm Kursk sau khi được trục vớt.

Hydrogen peroxide là hợp chất nguy hiểm từng được những kẻ khủ‌ng b‌ố sử dụng để kích nổ 3 đoàn tàu và một xe buýt trong vụ tấn công khủ‌ng b‌ố năm 2005 ở London. Hydrogen peroxide được sử dụng làm nhiên liệu cho 24 tên lửa hành trình P-700 Granit, trang bị trên tàu ngầm Kursk. Mẫu tên lửa hạng nặng này chuyên được sử dụng để hủy diệt tàu nổi cỡ lớn.

Nhưng tên lửa và ngư lôi sử dụng nhiên liệu Hydrogen peroxide cần phải được bảo trì kỹ lưỡng. Đây là điều mà hải quân Nga những năm 1990 thường xuyên bỏ qua.

Ít nhất một tên lửa chứa hydrogen peroxide được cất giữ trong nhiều năm, không hề được bảo dưỡng, dẫn đến rò rỉ trong tàu ngầm hạt nhân Kursk, theo Sputnik.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn năm 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói thảm kịch tàu ngầm Kursk là hồi chuông báo động đối với sự xuống cấp của quân đội Nga, kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

"Sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga phải đối mặt với những khó khăn lớn về kinh tế và xã hội, tất nhiên là quân đội cũng không thể thoát khỏi tình trạng đó. Thảm kịch tàu ngầm Kursk là một dấu hiệu trong tình trạng chung của các lực lượng vũ trang", ông Putin nói.

Sau 20 năm, không ít người vẫn cho rằng tàu ngầm Kursk bị đánh chìm do trúng phải mìn từ thời Thế chiến 2, hoặc là do tàu ngầm nước ngoài tấn công. Nhưng theo báo Nga, thảm kịch xảy ra là do nổ bên trong thân tàu.

Cậu bé đứng bên di ảnh những quân nhân Nga t‌ử nạ‌n trong thảm kịch tàu ngầm Kursk.

Kể từ đó, ông Putin đã ra lệnh nâng cấp toàn diện quân đội Nga, bảo dưỡng kỹ lưỡng các tàu ngầm còn trong biên chế hoạt động. Hải quân Nga cũng ngừng sử dụng nhiên liệu hydrogen peroxide kể từ năm 2002.

Theo Iain Ballantyne, tác giả một cuốn sách về tác chiến chống ngầm, các thủy thủ tàu ngầm luôn đối mặt với rủi ro mỗi khi ra khơi, giống như thảm kịch tàu ngầm Kursk, nếu con tàu không được bảo dưỡng thường xuyên và thủy thủ đoàn thiếu kinh nghiệm ứng phó.

Ông Ballantyne nói cái giá phải trả nếu các thiết bị trên tàu ngầm gặp trục trặc là rất lớn. “Đó là rủi ro mà tất cả các thủy thủ tàu ngầm phải đối mặt và họ cố gắng nỗ lực hàng giờ mỗi ngày trên biển và trong căn cứ hải quân, để tránh những thảm họa như vậy”, ông Ballantyne nói.

“Chính phủ các nước cần phải hiểu rằng chỉ có đầu tư thích đáng và thường xuyên bảo dưỡng, nâng cấp thiết bị mới giúp các thủy thủ tàu ngầm tránh khỏi rủi ro trên”, ông Ballantyne nói. “Bất kỳ quốc gia nào có hạm đội tàu ngầm cần phải nhận thức rằng môi trường biển rất khắc nghiệt”.

Năm 2017, tàu ngầm San Juan của Argentina phát nổ dưới biển sâu ở ngoài khơi Nam Mỹ, khiến toàn bộ thủy thủ đoàn thiệt mạng.

Ông Ballantyne kết luận: “Đó chỉ mới là tàu ngầm di‌esel-điện trang bị vũ khí thông thường. Tàu ngầm hạt nhân mang theo vũ khí hủy diệt còn phức tạp hơn nhiều và cần được bảo dưỡng thường xuyên hơn, để đảm bảo rằng rủi ro sẽ không xảy ra với thủy thủ đoàn, với môi trường và cả với nhân loại”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật