Machiavelli chỉ đánh giá cao Leonardo da Vinci ở vai trò kỹ sư

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Là người thực dụng, Machiavelli không quan tâm tới kiểu nghệ thuật vị nghệ thuật. Điều chưa rõ ràng là liệu ông có tán thưởng tài năng của Leonardo ở các lĩnh vực ít thiết thực?
Machiavelli chỉ đánh giá cao Leonardo da Vinci ở vai trò kỹ sư
Tranh Leonardo da Vinci vẽ nàng Mona Lisa của Cesare Maccari. Ảnh: Corbis Historical/Getty.

Quan điểm về chức năng của chính quyền đã được hình thành cơ bản cùng với sự phát triển tư tưởng của Machiavelli. Điều đó cho phép ông thoát khỏi khuôn khổ của các học giả đã được Plato và Aristotle thiết lập và được các triết gia như Thomas Aquinas điều chỉnh để phù hợp với thế giới Ki-tô giáo.

Đối với người Hy Lạp và các môn đồ thời Trung Cổ của họ, các lý thuyết về chính quyền dựa trên giả định rằng xã hội, bất kể thực tế có mục nát ra sao, đều khao khát trở nên lý tưởng - theo kiểu quý tộc trị của Plato hoặc mô hình “thành phố của Chúa” mà Augustine và Aquinas đã hình dung theo những hình thức khác nhau.

Machiavelli không có nhiều kiên nhẫn với các khái niệm trừu tượng mơ hồ như thế, như đã nói rõ trong Quân vương. “Thần cho rằng tốt nhất là đi thẳng vào thực tế của vấn đề hơn là chìm đắm trong mộng tưởng”, ông tuyên bố trong một lời quở trách nghiêm khắc với các bậc tiền bối.

“Nhiều người đã tưởng tượng ra các nền cộng hòa và các thân vương quốc mà chưa ai từng nhìn thấy hoặc biết đến sự tồn tại của chúng. Tuy nhiên, luôn có một khoảng cách lớn giữa việc người ta thực sự sống thế nào và việc họ nên sống ra sao, bởi vậy kẻ nào ruồng bỏ thực tế chỉ để quan tâm tới chuyện lẽ ra phải làm, kẻ đó sẽ sớm đưa mình vào cảnh diệt vong hơn là cứu chuộc".

Tuyên bố đơn giản này chính là cốt lõi trong cách tiếp cận mới mẻ của Machiavelli. Nó khiến ông trở thành cha đẻ của khoa học chính trị hiện đại, một lĩnh vực mà chủ đề phù hợp của nó là “thực tế của vấn đề” hơn là “mộng tưởng”.

Cách nhìn thiếu cảm thông cũng như tất cả những tuyên bố mơ hồ về đạo đức khiến nhiều thế hệ sau này băn khoăn chính là ngọn nguồn cho sự độc đáo của Machiavelli.

Như một viên chức mẫn cán sẵn lòng dành mỗi giờ thức giấc cho nhà nước, ông lấy lợi ích của sinh vật vô nhân đạo và vô đạo đức này làm xuất phát điểm. “Khi an nguy của một quốc gia hoàn toàn phụ thuộc vào việc đưa ra quyết định”, Machiavelli tuyên bố, trong một kiểu Lời thề Hippocrates của giới viên chức, “không nên chú ý tới công lý hay bất công, nhân từ hay tàn nhẫn, đáng được ngợi khen hay khinh miệt. Ngược lại, khi gạt sang một bên mọi sự cân nhắc, lựa chọn được toàn tâm toàn ý chấp nhận sẽ cứu lấy sự sống và bảo vệ nền độc lập cho quốc gia".

Mặc dù Machiavelli không phải là người nghĩ ra cụm từ raison d’état, hệ tư tưởng vốn tô điểm cho sự nghiệp của nhiều chính khách từ Richellieu tới Kissinger, đã lần đầu tiên được phát biểu rõ ràng bởi vị Đại pháp quan thứ hai khiêm tốn của Florence.

Machiavelli rõ ràng đánh giá cao các kỹ năng của Leonardo trong vai trò kỹ sư. Điều chưa rõ ràng là liệu ông có tán thưởng tài năng của Leonardo ở các lĩnh vực ít thiết thực hơn hay không.

Trên thực tế, không có nhiều bằng chứng cho thấy Machiavelli quan tâm sâu sắc tới nghệ thuật. Mặc dù sinh ra và lớn lên trong một thành phố nổi tiếng về nghệ thuật và kiến trúc, trong nghiệp cầm bút cũng như trong cuộc đời, ông ít thể hiện sự say mê đối với cả hai lĩnh vực này.

Với các tác phẩm chính trị, Machiavelli chủ yếu tập trung vào vấn đề quyền lực và cai trị. Rất hiếm khi ông mở rộng điểm nhìn xã hội để bao trùm một phạm vi lớn các hoạt động mà mọi người tham gia vào nhằm hình thành nên cốt lõi của điều khiến chúng ta trở thành con người.

Dường như quan sát rõ ràng nhất về Machiavelli trong vấn đề này là sự lạnh nhạt ông dành cho những yếu tố kinh tế, nhằm xác định các cấu trúc chính trị. Một trong số những lần ít ỏi, ông khảo sát ở phạm vi rộng hơn là ở một chương của Quân vương, có nhan đề “Quân vương tạo nên uy danh như thế nào”.

Tuy nhiên, ngay cả ở đó, những nỗ lực về mặt văn hóa cũng chỉ được nhìn nhận như một công cụ trong nghệ thuật cai trị: “Một quân vương phải cho thấy mình là người yêu chuộng phẩm hạnh đạo đức, ủng hộ người tài và tôn vinh họ trong tất cả các loại hình nghệ thuật… Hơn nữa, vào thời điểm thích hợp trong năm, ngài cần tổ chức các buổi yến tiệc và biểu diễn dành cho quần chúng nhân dân".

Một trích đoạn tương tự cũng được tìm thấy gần phần kết của cuốn Lịch sử Florence, nơi ông tổng kết đóng góp của Lorenzo de’ Medici với mảnh đất quê hương. “Ngài đã khiến thành phố trở nên đẹp đẽ và vĩ đại hơn”, Machiavelli viết lại một cách tán thành.

“Mảnh đất quê hương dưới triều Lorenzo de’ Medici luôn trong cảnh hội hè: Nơi đây thường xuyên có những cuộc cưỡi ngựa đấu thương, cùng việc diễn lại các kỳ công và các lễ khải hoàn xưa cũ; mục đích của ngài là khiến thành phố giàu mạnh, nhân dân đoàn kết và giới quý tộc được tôn vinh. Lorenzo de’ Medici hết lòng yêu mến những tài năng xuất sắc trên phương diện nghệ thuật; đồng thời cũng ưu ái các nhà văn”.

Trong cả hai đoạn này, Machiavelli đều cho thấy bản thân không đánh giá cao thứ nghệ thuật vị nghệ thuật. Thay vào đó, nghệ thuật là một công cụ nằm trong tay kẻ cai trị khôn ngoan, người đó dùng nó để khiến mọi người sao nhãng tâm trí và để duy trì quyền lực.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật