Lão sư hộ pháp

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngay sau buổi chia quân tập kích điện Vạn Thọ một mặt ồ ạt phá vỡ cửa thành sông Tô Lịch, bốn bề binh tướng Trần Bá Tiên ào vào trong điện ngoài thành lục soát vàng bạc châu báu. Binh tướng Trần Tư mã quá đỗi ngạc nhiên khi điện Vạn Thọ chỉ là tòa nhà gỗ...
Lão sư hộ pháp
Minh họa Đặng Tiến

Chùa Khai Quốc giữa buổi chiều hè sau cơn mưa vừa dứt năm 545.

Ngay sau buổi chia quân tập kích điện Vạn Thọ một mặt ồ ạt phá vỡ cửa thành sông Tô Lịch, bốn bề binh tướng Trần Bá Tiên ào vào trong điện ngoài thành lục soát vàng bạc châu báu. Binh tướng Trần Tư mã quá đỗi ngạc nhiên khi điện Vạn Thọ chỉ là tòa nhà gỗ.

Bên trong điện, ngay cả bàn ghế nơi văn võ thiết triều cũng hết sức sơ khoáng, giản lược. Không biết bạc vàng châu báu đã bị Vũ Lâm hầu Tiêu Tư cướp đi từ trước hay lũ man di Giao Châu đến cái ăn chẳng có lấy đâu ra đồ trân quý dâng lên vua chúa của chúng.

Hay tên Lý Bí vốn xuất thân cửa chùa coi thường châu báu lụa là đến nỗi cung thất một vương triều cũng thanh tịnh như cổ tự. Đích thân Trần Tư mã cùng Trang Sâm đi khắp một vòng điện Vạn Thọ vào bên trong căn phòng gỗ Nam Việt đế Lý Bí vẫn dùng tiếp đại thần chỉ thấy vài chiếc bút lông ngỗng trên giá, nghiên mực đất nung ngay ngắn trên bàn, chiếc quạt nan tre đặt nơi đầu giường nhỏ ngạc nhiên thầm mang thắc mắc cũng chỉ biết chôn chặt trong lòng.

Khi đã ở trong soái thuyền ngà ngà hơi men, Trần Tư mã bảo với Trang Sâm:

- Trang tiên sinh! Thật không sao hiểu được bọn man di. Làm đến quốc vương một nước mà đồ ngự dụng cũng chỉ giản đơn như đám thợ thuyền. Bọn man di quả không phải nòi giống vương giả, làm sao có được nền quốc thống?

Trang Sâm trầm ngâm đáp:

- Tư mã đại nhân! Ta đã xem kỹ trong ngoài ngôi đại điện từ địa thế hình hài đến vật dụng bên trong thấy được Lý Bí không phải người thường đâu. Họ Lý kia đích thị là minh quân của một nước. Vương triều Lý gia xây dựng cốt ở trong lòng dân sẽ không dễ gì chúng ta dứt bỏ được đâu.

Từ hai bàn tay trắng, họ Lý đuổi được Vũ Lâm hầu Tiêu Tư gây chấn động Trung Nguyên khiến Vũ đế phải xuất đại binh ra ngoài ngàn dặm cũng đều do họ Lý có được nhân tâm vậy. Lý Bí tuy bị Trần Tư mã đánh bại, song ngài hãy nhìn kỹ tấm gương tự cường của ông ấy mà làm đại nghiệp sau này. Ta vẫn cho rằng, trong các đạo giáo, thì Phật giáo ở Trung Nguyên là trung tâm của vũ trụ, tinh hoa thống thuộc khắp lân bang thuộc quốc khiến mọi nơi phải quy tụ về.

Nay thấy được mạch nguồn Phật pháp ở Giao Châu, từ quân trưởng một nước tới các văn võ triều đình đều một lòng hướng Phật quả ở phương Nam, Phật pháp tinh diệu không thua gì phương Bắc đâu. Trần Tư mã hãy ghi nhớ rõ điều ta nói.

Trần Bá Tiên thấy Trang Sâm đột nhiên thận trọng khác thường bèn nói:

- Trang tiên sinh! Ta nghe nói trước khi dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội, tên Lý Bí quốc chủ Vạn Xuân đã cho dựng chùa Khai Quốc còn vời những bậc cao tăng đến trụ trì. Bản thân tên họ Lý ngày nào cũng tới dâng dương. Ta cùng tiên sinh hãy đến đó xem sao?

Trang Sâm lập tức nói:

- Chính bần đạo cũng đang muốn đến Khai Quốc tự!

Nghe Trang Sâm nói vậy, Trần Bá Tiên quay ra gọi bọn tùy tướng chuẩn bị thuyền nhẹ đến chùa Khai Quốc. Mới trải qua hai trận huyết chiến, sợ dư đảng của bọn Phạm Tu, Triệu Túc trà trộn ám toán, tướng Mông Kỳ chọn năm mươi tên võ sĩ cùng hai chiếc thuyền nhẹ hộ tống Trang quân sư cùng Trần đại nhân đến thẳng Khai Quốc tự.

Chùa Khai Quốc được dựng trên khoảnh đất sát Đầm Sương Mù khuôn viên tuy không lớn nhưng tỏ rõ vẻ trầm mặc, uy nghi. Nhiều cây lớn được lão thái phó đem từ các vùng về trồng quanh sân chùa. Những bãi đất trống sát mép nước được đắp cao như những ngọn đồi nhỏ trên trồng cây cối xanh tốt. Khi bọn Trần Bá Tiên, Trang Sâm cùng các võ sĩ tới nơi vừa lúc Phùng sư phụ cùng bốn vị hộ pháp mới làm xong Phật sự buổi chính rằm. Tiếng mõ, tiếng chuông như còn âm vọng trên các vòm cây trong sân tự.

Ra hiệu cho đám võ sĩ ở cả bên ngoài, Trần Bá Tiên cùng Trang Sâm thẳng bước vào trong sân đã thấy lão sư phụ họ Phùng tiến ra chắp tay niệm Phật nói:

- Nam mô a di đà phật! Các thí chủ có phải từ phương Bắc tới bổn tự chăng? Lão nạp đây có thể giúp gì cho các thí chủ?

Trần Bá Tiên và Trang Sâm nhìn vị lão tăng không khỏi thoáng giật mình. Lão tăng tuổi ngót chín mươi dáng người cao lớn vững vàng, chòm râu bạc trắng dài quá ngực, cặp mắt sáng lanh lợi, đặc biệt giọng nói trầm ấm ngân vang chứng tỏ nội lực không phải tầm thường. Trần Bá Tiên tiến lên một bước thi lễ nói:

- Nam mô a di đà phật! Bạch lão sư phụ! Chúng tôi từ ngàn dặm tới đây muốn dâng hương cửa Phật, thỉnh giáo sư phụ vài điều, chẳng hay có gì thất lễ mong được đại xá.

Trang Sâm cũng thong thả thi lễ nói:

- Bạch sư phụ! Bần đạo ngày trước cũng xuất thân cửa Phật, hôm nay may được diện kiến lão tăng thật là hoan hỉ. Xin được dâng hương kính Phật trước rồi thong thả vấn an sư phụ cùng chúng tăng.

Phùng sư phụ khẽ đưa tay mời nhị vị thí chủ vào bên trong tam bảo đoạn ra hiệu bốn vị hộ pháp sửa soạn hành lễ dâng hương. Tiếng chuông, tiếng mõ vang lên đều đặn buông loang trên mặt Đầm Sương Mù sóng sánh nắng vàng như chưa hề xảy ra nạn binh đao mới chỉ mấy hôm trước.

Sau tuần hương dâng Phật, lão sư phụ mời hai vị thí chủ tới chiếc kỷ gỗ đơn sơ đặt ngay sát mép nước Đầm Sương Mù. Đây cũng là nơi thụ trà của Phùng sư phụ. Ngay mép đầm là chiếc thuyền gỗ nhỏ, vật tùy thân hàng ngày lão sư phụ vẫn tự mình chèo tới các thôn làng.

Phùng lão tăng nhấp chén trà còn đang bốc khói đợi nhị vị thí chủ thưởng trà đâu đấy mới thong thả đặt chung trà xuống nói:

- Nhị vị thí chủ! Chẳng hay nhị vị vừa trải qua kiếp nạn đại khai sát giới gì mà sát khí vẫn còn ẩn tàng nhiều đến vậy?

Trần Bá Tiên nhìn sắc mặt vị lão tăng nghiêm trang thơ thới, phía sau bốn vị hòa thượng cung kính lắng nghe, lại thấy câu hỏi xoáy vào tâm điểm của cuộc đàm đạo biết đã gặp phải bậc cao tăng quán thông mọi lẽ mất còn suy thịnh bèn nói thẳng:

- Bạch sư phụ! Chẳng giấu gì ngài. Ta chính là Tư mã Giao Châu Trần Bá Tiên còn vị này là quân sư của tại hạ vốn rất sùng đạo Phật, nhân buổi dẹp yên được bọn giặc cỏ tới dâng hương đốt nến nơi cửa chùa xin được sư phụ chỉ bảo thêm cho.

Trần Tư mã nói tới đâu, bốn vị hộ pháp sau lưng Phùng sư phụ khuôn mặt nghiêm lạnh lại như đang cố nén điều giận dữ. Chỉ thấy Phùng sư phụ đôi tay vẫn thong thả lần tràng hạt chăm chú lắng nghe vị thí chủ phía trước rồi nói:

- Thì ra là Trần Tư mã, viên ái tướng bách chiến bách thắng của Lương Vũ đế. Vậy hẳn vị này là Trang Sâm, đồng hương huyện Trường Thành vùng Tây Giang rồi. Nhị vị một văn một võ tung hoành Giang Nam chưa thỏa nay lại xuống Vạn Xuân ta chém giết. Thảo nào đất trời nổi cơn mưa to gió lớn ba bốn tháng liền. Song thí chủ đây coi quân vương một nước, văn võ triều đình Vạn Xuân là giặc cỏ thì lão tăng không hiểu?

Trần Bá Tiên và Trang Sâm thấy vị lão tăng không chỉ thần thái phi phàm mà nội tình phương Bắc đều thông tỏ trong bụng có mấy phần kinh sợ. Song có lẽ nào cả đạo quân hùm tướng sói phía sau lại không áp chế được lão sư già?

Trần Bá Tiên nghiêm giọng:

- Lão thần tăng! Cứ như lời lão tăng biện bạch thì ta cùng Dương Thứ sử chẳng qua là giặc ngoại xâm đến cướp nước các ngươi ư? Vậy còn việc suốt ngàn năm người Giao Chỉ, đất Giao Châu cúi đầu xưng thần, cam tâm làm quận huyện các hoàng đế phương Bắc, thần tăng đây định sắp xếp thế nào? Nay các ngươi cậy ở vào nơi xa xôi vạn dặm, tự tiện xưng vương vị, bày đặt triều nghi, gây dựng chùa chiền đền miếu đều là phạm tội khi quân.

Bản tướng nhớ lời dặn của Vũ đế, đem đức hiếu sinh giáo hóa man di, lấy bụng thực đãi người mà bọn Lý Bí, Phạm Tu, Triệu Túc trước sau bày trận đánh giết không dừng thì hỏi đạo trời ở đâu? Nay lão thần tăng mở miệng là nhắc đến triều đình Vạn Xuân, bá quan văn võ không biết xấu hổ ư? Hay giáo lý Phật pháp phương Nam đã không còn biết đâu là nặng nhẹ nữa?

Trần Bá Tiên nói đến đâu, bốn vị hộ pháp cặp mắt mở sững, bàn tay nắm chặt kêu răng rắc cố nuốt giận tới đó.

Sư phụ họ Phùng đợi Trần Tư mã dứt lời mới nghiêm giọng đáp:

- Trần Tư mã quả không hổ là biệt tướng của Lương triều. Buổi trước nghe tin Lương Vũ đế bất chấp can gián xuất nửa quốc khố để các hạ xây dựng thủy quân thỏa chí chém giết bên ngoài, giá họa xuống Vạn Xuân ta đã thấy đây là kế độc của các hạ. Còn bàn về chuyện Vạn Xuân tự chủ, việc xây dựng triều nghi, đình miếu, chùa chiền, người phương Nam chúng ta đã có từ thời thượng cổ, thời tam hoàng ngũ đế, phương Nam đã tự gây dựng nền độc lập của mình.

Các Lạc hầu, Lạc tướng ai nấy đều hùng cứ đất đai tiên tổ. Đến mười tám đời vua Hùng Vương thì việc định quốc đô, tiết chế nghi vệ, lễ nhạc khúc thức quy củ từ thượng tầng đến bách dân nào có thua gì các hoàng đế phương Bắc. Nay các hạ chỉ dựa vào cung tên giáo mác mà bàn về đạo Phật còn nói đến công bằng ư? Lẽ nào các hạ đi vào vết xe đổ của Vũ Lâm hầu Tiêu Tư buổi sớm vô cớ giết người nơi cổ tự Luy Lâu nửa đêm mật phục hãm hại bảy mươi ba vị hương trưởng khiến đất trời oán thán, thân bại danh liệt để thiên hạ chê cười. Lão tăng đã già, lời nói chỗ nào lẫn cẫn mong các hạ hãy bỏ ngoài tai cho.

Bốn vị hộ pháp nghe Phùng sư phụ nói tới đâu trong lặng người đi tới đó. Thấy Trần Bá Tiên chỉ ngồi im, ánh mắt dần dần thắt lại, Trang Sâm bấy giờ mới đứng lên hướng về phía Phùng sư phụ thi lễ nói:

- Bần đạo xin được thọ giáo lão thần tăng! Cứ như những gì ngài nói, ắt đất phương Nam tự chủ đã ngàn đời không lòng dạ nào hướng về phương Bắc. Vậy sử sách phương Bắc chép về năm mươi ba vị Thái thú, Thứ sử vâng mệnh hoàng đế xuống kiêm quản Giao Chỉ suốt ngàn năm sẽ phải giải thích ra sao?

Ngay như thời Trang vương nhà Chu, vua người Giao Chỉ còn cho sứ thần tới cống nạp về phương Bắc, mọi việc còn trong sử sách cả. Tiếp đó đến đời Tần, Hán, Ngô, Tấn…, các hoàng đế phương Bắc đều sắc phong bọn Thái thú, Thứ sử trị nhậm Giao Châu quy củ. Những người như Thạch Đái, Chu Chương, Tô Định, Mã viện đều lập chiến công ở Giao Châu.

Đến khi Sĩ Nhiếp mấy chục năm làm Thái thú Giao Châu, người Giao Châu đều thần phục mà đồng lòng gọi là Sĩ vương thì thần tăng giải thích thế nào? Hãy khoan nói chuyện nghìn năm trước. Vài chục năm trở lại đây, Lương Vũ Đế không chỉ cử các Thái thú Lý Tắc, Tiêu Tư, Dương Phiêu xuống giáo hóa chúng dân, mà việc mở mang bách nghệ cũng được người phương Bắc hết lòng chỉ giúp Giao Châu mới được như ngày nay.

Ngay như bọn Lý Bí, Triệu Túc vốn là mệnh quan thuộc Lương triều đã không biết trả ơn bắc quốc lại liều lĩnh làm phản xưng đế xưng vương không phải là trò cười thiên hạ ư? Người phương Nam từ xưa đến nay, hễ làm thần tử thì được yên thân, còn quyết tự chủ chỉ có con đường chết. Nay bần đạo nói như thế không biết có lọt tai lão thần tăng không?

Phùng sư phụ nghe kỹ từng câu của vị thí chủ. Đợi khi Trang Sâm nói hết, Phùng sư phụ mới cười lớn rồi thong thả nói:

- Trang bần đạo quả không chỉ tài chí cơ mưu hơn người mà còn làu thông sử sách. Lão tăng đây lẽ ra không tranh biện với ngài nữa bởi sự khác biệt phương Bắc - phương Nam mỗi ngày một lớn. Nguồn cơn cũng đều do các ngài đem binh đao cung kiếm đào đắp ra thôi. Ngay chính sử của các ngài nhiều khi cũng chép tùy tiện lắm, đều là nhìn vào cái lừ mắt của hoàng đế mà chép bừa, bất chấp sự thật.

Năm mươi ba vị Thái thú, Thứ sử mà ngài nhắc đến, nào có mấy vị thực sự xuống được Giao Châu? Còn như hôm nay, các thí chủ tới đây chẳng phải mang tới điều tốt đẹp gì, chẳng qua là thám sát mọi việc nội tình của Vạn Xuân ta để tiện sau này định kế đối địch với Dương Thứ sử và Lương Vũ đế mà thôi. Nay binh tướng gươm đao ở cả trong tay, các vị muốn làm gì mà chẳng được.

Trần Bá Tiên thấy vị lão tăng lời nói cứng cỏi dường như mọi điều ẩn chứa sâu xa lão tăng đều biết lại nhiều lần có ý vạch mưu sâu của họ Trần không nhịn được nữa bèn lớn giọng mắng:

- Ta vốn chiều ý Trang quân sư định đàm đạo thiệt hơn với lão tăng song ngài chỉ một mực vô cớ vạch ra những điều ác của các hoàng đế, Thái thú, tướng lĩnh người phương Bắc lại còn ngờ ta bày mưu dối gạt Vũ đế. Ta dẫu có tha cho ngài, các tướng cũng chẳng chịu. Nay trên thuyền đang sẵn có củi khô, dầu hỏa, phiền lão thần tăng hãy tự quyết cho.

Nghe tiếng Trần Bá Tiên quát mắng, Mông Kỳ cùng bọn võ sĩ vội sấn kiếm xông vào trong tự. Bốn vị hộ pháp nghiến răng toan nhảy tới bắt giữ bọn Trần Bá Tiên, Trang Sâm, song Phùng sư phụ đã đứng dậy ra hiệu nói:

- Từ sáng gặp nhị vị thí chủ ta đã biết trước có kết cục này. Chúng tăng huynh đệ bất tất phải vọng động làm vấy bẩn Phật môn. Các con hãy thay ta hương khói cho Phật tổ, cầu sự an bình cho bách tính phương Nam, phương Bắc.

Phùng sư phụ vừa dứt lời cũng là lúc Trần Bá Tiên đưa mắt ra hiệu cho bọn Mông Kỳ đem củi khô, dầu hỏa vào sân tự chất thành một đống lớn. Phùng sư phụ tay lần tràng hạt, miệng niệm kinh Phật thong thả tiến tới ngồi kiết già vào chính giữa. Khi ngọn lửa bốc cao, vị lão tăng khe khẽ nhắm mắt miệng tụng kinh đều đều. Bốn vị hộ pháp nước mắt rịn ra trên khuôn mặt khắc khổ miệng nam mô chậm chạp đi vòng quanh đống lửa đang ngày một bốc cao.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật