Rà soát tài sản vụ Đinh La Thăng, Giang Kim Đạt: Khó!

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo ông Nguyễn Túc, việc rà soát tài sản của các cá nhân phải thi hành án là rất khó bởi phần nhiều các đối tượng đã tẩu tán từ trước.
Rà soát tài sản vụ Đinh La Thăng, Giang Kim Đạt: Khó!
TP.HCM rà soát tài sản thi hành án liên quan đến 21 vụ án, trong đó có vụ Đinh La Thăng

Xem Video: Áp lực công tố phiên tòa ông Đinh La Thăng 

//

Bộ Tư pháp vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương kiểm tra và cung cấp thông tin về tài sản hiện đang thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của tổ chức, cá nhân phải thi hành án nhưng chưa bị cơ quan có thẩm quyền tạm giữ, kê biên.

Đồng thời tạm dừng thực hiện các giao dịch đối với các tài sản trên.

Thực hiện đề nghị của Bộ Tư pháp, UBND TP.HCM đã có công văn chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đăng ký tài sản trên địa bàn thành phố kiểm tra và cung cấp thông tin các cá nhân và đơn vị liên quan đến 21 vụ án, trong đó có các vụ án trọng điểm.

Theo phụ lục danh mục tài sản của các tổ chức, cá nhân phải thi hành án của Bộ Tư pháp cung cấp có liên quan tới 21 vụ án, trong đó liên quan đến TP.HCM có các vụ án như vụ Hà Văn Thắm, Hứa Thị Phấn, vụ Phạm Công Danh, Trần Phương Bình, vụ Phan Sào Nam, vụ Đinh La Thăng, Giang Kim Đạt, vụ Huỳnh Thị Huyền Như...

Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ghi nhận nỗ lực của Bộ Tư pháp và các cơ quan thi hành án dân sự nhằm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án Hình Sự về tham nhũng, kinh tế.

Tuy nhiên, ông Túc quan ngại rằng, thời điểm này mới kiểm tra, rà soát tài sản của các cá nhân phải thi hành án liên quan đến các vụ án lớn như đề cập ở trên là muộn và khó thực hiện.

Theo ông, đáng lẽ khi thấy dấu hiệu tham nhũng thì tất cả tài sản liên quan phải kê biên. Chẳng hạn như vụ Đinh La Thăng, lẽ ra trong quá trình điều tra, xét xử, cơ quan tố tụng phải tiến hành kê biên tài sản liên quan đến ông Đinh La Thăng chứ không phải đợi đến khi tòa đã tuyên án, cơ quan thi hành án mới bắt đầu xác minh tài sản của ông này để thi hành án.

"Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, tỷ lệ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án Hình Sự về tham nhũng, kinh tế còn thấp. Điều đó cho thấy phần lớn tài sản từ tham nhũng đã bị thất thoát.

Lẽ ra khi chuẩn bị khởi tố, cơ quan chức năng phải đóng băng tài khoản hay kê biên tài sản của các đối tượng. Bản thân các đối tượng ngay khi rục rịch thấy mình có thể bị Pháp Luật "sờ tới" đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để chuyển đổi tài sản tham nhũng, chuyển nó cho người thân, họ hàng, tẩu tán ra nước ngoài..., không ai ngây thơ để tiền một chỗ.

Bây giờ, nhiều vụ án đã xử cách đây hàng năm trời, các đối tượng đã thi hành án, trong khi tài sản tham nhũng đã bị họ tẩu tán, xóa dấu vết, làm sao có thể tìm lại được?", ông Nguyễn Túc nhận xét.

Vị ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhắc lại vụ án Giang Kim Đạt, nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh công ty Vinashinline như một minh chứng cho thấy sự tinh vi của đối tượng trong việc tẩu tán tài sản.

Theo cơ quan chức năng, gần 19 triệu USD bị Đạt chiếm đoạt đã được đối tượng này tẩu tán không ít cho người thân và tuồn ra nước ngoài khiến việc đấu tranh và thu hồi tài sản gặp khó khăn.

Đáng lưu ý, việc đứng tên tài sản và chuyển tiền đều được Đạt thực hiện rất kín kẽ. Đat không tự đứng ra mở tài khoản nhận tiền mà thông qua người thân trong gia đình, cụ thể là bố của Đạt, thực hiện mở tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau. Sau đó, bố Đạt rút khoản tiền này để mua bán bất động sản và nhiều tài sản khác. Ngoài ra, một lượng tiền không nhỏ được Giang Kim Đạt tuồn ra nước ngoài.

Từ thực tế nhiều vụ án, ông Nguyễn Túc cho rằng, việc rà soát tài sản của các đối tượng phải thi hành án để kê biên, thu hồi là khó khả thi và đề nghị phải xem xét lại cho sát với thực tiễn hơn.

"Việc này rất khó, giống như "thả gà ra đuổi" vậy", ông Túc ví von và đề nghị nên chăng áp dụng biện pháp kinh tế để thu hồi tài sản tham nhũng.

"Pháp Luật có thể quy định nộp lại tiền tham nhũng theo một tỷ lệ nhất định thì được giảm bao nhiêu năm tù. Như vụ Nguyễn Bắc Son, trước khi tòa tuyên án, gia đình ông này đã nộp lại số tiền 3 triệu USD mà ông đã nhận hối lộ, giúp ông thoát án tử, và chịu mức án chung thân", ông Nguyễn Túc nói.

Cho rằng Pháp Luật thường đi chậm hơn cuộc sống, ông Nguyễn Túc cũng lưu ý cần làm nghiêm từ khâu kê khai tài sản.

Thực tế là không phải ai cũng kê khai tài sản và nhiều trường hợp đối tượng tham nhũng tẩu tán, dịch chuyển tài sản từ trước kê khai, hay kê khai nhưng lại để trong ngăn kéo mà thiếu sự liên thông.

"Bởi vậy, kê khai tài sản phải công khai, minh bạch và quan trọng là phải dựa vào dân. Kê khai xong thì phải công khai để dân giám sát, kiểm tra", ông Túc nhấn mạnh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật